Vào năm 1936, hãng chế tạo xe của Pháp Citroën đã thiết lập xưởng sản xuất đầu tiên ở Đông Dương với trụ sở ban đầu tại góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ, ngày nay đã trở thành Caféteria Rex ở Sài Gòn. Sau 1954, xưởng sản xuất được dời đi và đổi tên thành Công ty Xe hơi Citroën, tiếp đến là Công ty Xe hơi Saigon.
Trụ sở Công ty Xe hơi Saigon (bảng hiệu viết theo kiểu đọc của phương Tây).
Sau Thế chiến thứ 2, để đáp ứng nhu cầu về phương tiện di chuyển của dân Pháp đương thời, hãng chế tạo xe Citroën đã tung ra thị trường chiếc xe 2CV. Sau đó hãng này tiếp tục cho ra đời loại xe Citroën Dyane 6 và Méhari lần lượt vào cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60. Xe Citroën La Dalat sản xuất ở Việt Nam là loại xe dựa trên kiểu Citroën Méhari.
Vào giữa thập niên 60, trước sức ép cạnh tranh từ các loại xe gắn máy 2 bánh: Honda, Suzuki, Yamaha, Kawasaki, Bridgestone.... cũng như các loại ô tô Toyota, Mazda, Mitsubishi, Nissan, Daihatsu… nhập khẩu từ Nhật Bản, hãng Citroën quyết định tung ra thị trường một loại xe thực dụng và rẻ tiền, loại xe mà các công ty sản xuất xe Nhật Bản không thể cạnh tranh được. Chiếc xe được đặt tên là La Dalat.
Năm 1969, công ty Citroën mua bản quyền thiết kế của chiếc Baby Brousse từ công ty Ateliers et Forges de l’Ebrié.
Tiếp đó, các kỹ sư của chi nhánh Société Automobile d’Extrême-Orient tại Sài Gòn bắt tay vào sản xuất và lắp ráp ngay tại Việt Nam một chiếc xe tuy không sang trọng và mạnh như xe Mỹ, nhưng giá thành và chất lượng ăn đứt tất cả các loại xe của Nhật.
Một quảng cáo của công ty Xe hơi Citroën tại Sài Gòn.
Và chiếc La Dalat ra đời với 4 kiểu dáng khác nhau có phần máy và hệ thống tay lái, bộ nhún, bộ thắng... nhập cảng từ Pháp, trong khi, các bộ phận như đèn, kén báo hiệu, ghế nệm, dàn đồng đóng bằng tôn, mui xe bằng lá thép uốn hoặc vải,... được thiết kế và sản xuất ngay tại Sài Gòn.
Một chiếc La Dalat trên đường phố Sài Gòn trước 1975.
Tuy dựa theo thiết kế của chiếc Baby Brousse, nhưng La Dalat được cải tiến để có thể sản xuất hàng loạt mà không đến cần máy ép thép công nghiệp hạng nặng như Baby Brousse.
Lúc tung ra thị trường vào năm 1970, tỷ lệ bộ phận nhập cảng so với bộ phận nội địa là 75/25 và đến năm 1975 khi hãng Citroën ngừng hoạt động, tỷ lệ này là 60/40. Có tất cả là 4 kiểu La Dalat: loại 4 chỗ ngồi hoặc 2 chỗ ngồi với thùng chở hàng.
Một số mẫu xe La Dalat vào những năm 1970.
Ước tính từ năm 1970 cho đến 30-4-1975, Công ty Xe hơi Sài Gòn sản xuất hơn 5.000 chiếc La Dalat, tức là hơn 1.000 chiếc mỗi năm!
Động cơ của La Dalat.
Theo thiết kế, chiếc xe này sở hữu động cơ 4 thì, 602 phân khối, 2 xi-lanh đối ở 2 đầu nằm dẹp (flat twin), hộp số gồm 4 số tay, chuyền động ở trục bánh trước. Chiếc xe có chiều dài 3,5m; rộng 1,53m; cao 1,54m; nặng khoảng từ 480-590 kg tùy theo kiểu.
Một xe La Dalat được tân trang tại Sài Gòn hiện nay.
La Dalat được đánh giá là chiếc xe ít tốn xăng, dễ sửa chữa, dễ thay thế các bộ phận hỏng hóc, đặc biệt các bộ phận như cánh cửa, kính xe đều có thể "tự chế", dễ làm hơn các loại xe Nhật và rẻ tiền. Các bộ phận rời được bán với giá phải chăng vì hoàn toàn được chế tạo tại Việt Nam.
Một chiếc La Dalat cổ bên những chiếc xe hơi hiện đại.
Tiền thân là gốc Pháp nhưng La Dalat đã để lại dấu ấn không hề nhỏ mang tên Việt Nam. Năm 1973, ngạc nhiên và hài lòng với thành công đáng ngờ của Công ty Xe hơi Sài Gòn, Citroën đã sang Việt Nam lấy 3 chiếc La Dalat về Pháp để mổ xẻ phân tích thiết kế, từ đó họ cho ra đời kiểu khung xe dễ sản xuất mà không đòi hỏi đầu tư nhiều công nghệ như chiếc Baby Brousse mui trần thế hệ thứ hai hay chiếc FAF.