Đường Nguyễn Thượng Hiền (TP HCM) dài chưa đầy một cây số nhưng có tới 3 cửa hàng kinh doanh bánh mì Kebab với mức giá 15.000 – 50.000 đồng một phần. Còn tại khu phố Tây Bùi Viện, hình ảnh khách nước ngoài lẫn Việt Nam xếp hàng đứng chờ trước các xe đẩy san sát nhau trang trí nổi bật để được phục vụ đã quá quen thuộc.
Bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2006, bánh mì Kebab hay còn gọi là bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ với hình dạng bánh tam giác ăn chung với thịt nướng cùng nước sốt đặc trưng và các loại rau cải, xà lách hồi đó ít được khách hàng chú ý vì giá bán khá đắt. Tuy nhiên, những năm gần đây, trào lưu kinh doanh loại bánh mì này đang nở rộ, đặc biệt là tại Sài Gòn.
Những năm đầu mới xuất hiện, muốn kinh doanh bánh mì Kebab, người bán phải đầu tư bộ lò nướng thịt có giá cả ngàn USD vì phải nhập từ Đức. Cũng vì mang danh bán thực phẩm ngoại, người kinh doanh phải chịu khó tìm mặt bằng đẹp dù quy mô gọn nhẹ chỉ với một chiếc xe. Số vốn để một tiệm bánh mì Kebab vào thời điểm 2006 khoảng hơn 40 triệu đồng.
Gần đây, nhiều nhà sản xuất Việt Nam lẫn Trung Quốc đã có thể sản xuất lò nướng thịt với giá bằng một nửa hàng nhập. Vì vậy, vốn kinh doanh loại hình này chỉ còn ở tầm 27 đến 30 triệu đồng. Đó là chưa kể một số người bán không thuê mặt bằng mà chỉ cần đẩy xe ra một vỉa hè nào đó để bán.
Kinh doanh bánh mì Kebab khá dễ, nhưng để tạo sự khác biệt và thu hút khách lại không đơn giản vì phải nắm được công thức tẩm ướp thịt và pha nước sốt đi kèm.
Ông Lượng, chủ cửa hàng bánh mì Kebab lâu năm trên đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 1, cho hay những tiệm Kebab ngày nay muốn tồn tại được phải nhờ vào thịt và nước sốt. Tuy nhiên, nhiều chỗ hiện nay biến tấu nguyên liệu thay thịt gà bằng thịt heo vì thịt heo dễ xiên vào cây hơn, còn thịt gà mềm, phải có nghề mới làm được.
Chưa hết, gia vị phải ướp thật thấm và nướng đủ lửa, nhiệt độ không được quá cao hay quá thấp. Nước sốt cũng thể hiện tay nghề của tiệm, nhiều nơi chỉ dùng sốt mayonaise rồi pha một chút gia vị, nhưng muốn cho giống hương vị gốc thì phải sử dụng nguyên liệu nhập và bảo quản bằng tủ lạnh.
Nguồn gốc nguyên liệu, địa điểm đặt xe bánh cùng đối tượng khách hàng là yếu tố khiến bánh mì Kebab có nhiều mức giá. Có những xe chỉ bán khoảng 15.000 đến 20.000 đồng một phần, nhưng có nơi bán 25.000 đồng hoặc hơn.
Ông Lượng cũng không ngần ngại chia sẻ tiệm của ông bán chủ yếu cho những người sành ăn Kebab, nên mức giá cũng khá cao, khoảng 25.000 đồng một phần trở lên. Trung bình mỗi ngày ông bán tầm 300 – 400 phần, tương đương với 30kg thịt (3 cây thịt). Có giai đoạn, ông bán được hơn 900 phần một ngày và nhận đặt 200 phần bánh từ các công ty.
Một chủ xe bánh Kebab trên đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận, cũng cho biết dù mới mở ra kinh doanh nhưng một ngày có thể bán đến 100 – 200 phần bánh với giá 15.000 đồng mỗi phần, chủ yếu nhờ vào đối tượng học sinh gần đó. Trước đây, chị thấy người ta kinh doanh Kebab trên đường nhiều quá, mà vốn bỏ ra cũng vừa phải, nên quyết định chọn khu vực gần trường học. Tiệm của chị dùng thịt heo để làm nhân và mỗi ngày bán khoảng 1-2 cây thịt.
Dù có nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, các xe Kebab mở ra vẫn theo hình thức nhỏ lẻ. Nhiều nhà kinh doanh bài bản thấy được thị trường tiềm năng nên đã triển khai hình thức nhượng quyền, nhưng cho đến nay vẫn chưa một thương hiệu nào thành công. Bởi, đa số các xe bán là kinh doanh tự phát, người bán chỉ cần đến cơ sở mua lò nướng, học cách chế biến, sắm chiếc xe đẩy và tìm một chỗ thích hợp là có thể kinh doanh Kebab lề đường.
Một ông chủ chuyên cung cấp lò nướng Kebab ở quận Gò Vấp cho hay, sau vài tháng thử nghiệm kinh doanh nhượng quyền bánh mì Kebab, ông đã phải cho ngưng hình thức này vì người kinh doanh không chịu nổi chi phí nhượng quyền và những quy định về tiêu chuẩn sản phẩm cũng như đảm bảo hình ảnh thương hiệu.
"Nhiều người kinh doanh đặt xe bánh ở khu công nghiệp. Vì muốn bán với giá thấp để thu hút đối tượng khách không đòi hỏi cao về chất lượng, họ đã chọn cách giảm chất lượng thịt xuống" - ông chủ này lý giải về việc cắt hợp đồng nhượng quyền với đối tác.