Theo dự thảo thông tư quy định về phí dịch vụ tiền mặt vừa được Ngân hàng (NH) Nhà nước công bố, các tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức phí nộp tiền mặt của khách hàng vào tài khoản thanh toán nhưng không vượt quá 0,03% tổng giá trị tiền mặt nộp và tối đa 0,05% với phí rút tiền mặt.
Đường nào cũng thiệt
Cơ sở thực tiễn đưa ra bản dự thảo này, theo NH Nhà nước là do Việt Nam vẫn được đánh giá là nước có tỉ lệ sử dụng tiền mặt cao. Trong thời gian qua, chính phủ đã chỉ đạo NH Nhà nước áp dụng các biện pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt để từng bước giảm dần thanh toán bằng tiền mặt. Trước đây, NH Nhà nước từng có thông tư quy định mức phí 0%-0,05% cho mỗi lần rút tiền mặt nhưng quá trình thực hiện các NH áp dụng mức phí khác nhau và thấp hơn so với phí chuyển khoản hoặc không thu phí.
“Vì vậy chưa ảnh hướng nhiều đến việc khách hàng lựa chọn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thay cho việc sử dụng tiền mặt để thanh toán” - bản thuyết minh dự thảo thông tư của NH Nhà nước nêu rõ. Do đó, mục tiêu của việc thu phí nộp tiền mặt là đẻ hạn chế tiền mặt trong nền kinh tế, góp phần tiết kiệm chi phí xã hội liên quan đến sử dụng tiền mặt và nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của các NH.
Nhiều người bày tỏ ý kiến không đồng tình với việc thu phí nộp và rút tiền tại NH. Chị Lê Thị Hương (quận Phú Nhuận, TP HCM) cho biết mở tài khoản tại ngân hàng để thanh toán lãi cho số tiền 600 triệu đồng mà chị đã vay. “Nếu hằng tháng tôi đến NH để nộp thêm hoặc rút ra có 5 triệu đồng mà bị thu phí thì quá vô lý. Người gửi không những không được chia lời mà còn phải đóng phí. Vậy hóa ra NH tận thu cả đầu vào lẫn đầu ra sao?” - chị Hương lập luận.
Chưa kể, khi khách hàng nộp tiền mặt vào tài khoản của mình tức là đã gửi tiền vào ngân hàng chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn 0,5 - 1%/năm. NH sẽ dùng số tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng để kinh doanh, thu về lãi cao hơn.
Thống kê của NH Nhà nước, đến quý I-2014, người dân đang có hơn 48 triệu tài khoản thanh toán của cá nhân (tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của cá nhân mở tại NH) với số dư là 116.428 tỉ đồng. Đồng thời, cả nước hiện có 68,5 triệu thẻ NH các loại, trong đó có 61,8 triệu thẻ nội địa và 6,7 triệu thẻ quốc tế. Nếu áp dụng thu phí mỗi lần nộp và rút tiền mặt, NH sẽ thu được số tiền rất lớn.
Chưa thuyết phục!
Theo các chuyên gia kinh tế, chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt là đúng đắn, theo xu hướng quốc tế, nhưng NH Nhà nước “đánh” vào phí, kể cả phí nộp tiền mặt để người dân giảm sử dụng tiền mặt là chưa thuyết phục.
Thanh toán không dùng tiền mặt chỉ được đẩy nhanh khi các kênh thanh toán qua NH phát triển đồng bộ, an toàn… Các phương tiện thanh toán qua ATM/POS phủ sóng đủ để người dân tiện lợi sử dụng. Dù số lượng máy ATM và POS (máy cà thẻ) tăng mạnh thời gian qua nhưng đến nay cả nước mới chỉ có 15.300 ATM và gần 130.000 POS. Số lượng máy POS lại chủ yếu lắp đặt ở trung tâm thương mại, các thành phố lớn, trong khi ở vùng sâu, vùng xa và các huyện vùng ven tỉnh, thành phố rất ít.
Tại Hội nghị thường niên Hội thẻ NH Việt Nam gần đây, một số bất cập trong hoạt động thanh toán thẻ ở Việt Nam tiếp tục được mổ xe như các loại dịch vụ khác và thanh toán qua POS chưa phát triển, hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán qua thẻ phát triển chưa đồng đều.
Ở các nước, khoảng 60% nguồn thu của NH thương mại đến từ cung cấp dịch vụ, trong khi Việt Nam, khoảng 90% nguồn thu đến từ hoạt động tín dụng. Chỉ gần đây, một số NH bắt đầu đẩy mạnh mảng dịch vụ để gia tăng nguồn thu, nhưng dịch vụ gồm rất nhiều từ phát triển các kênh thanh toán, gia tăng tiện ích… chứ không chỉ “nhăm nhăm” thu phí nộp, rút tiền mặt của khách hàng.
“Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt nhưng lại thu phí khách hàng nộp tiền vào tài khoản, chẳng khác nào làm khách hàng giữ lại tiền mặt để dùng” - chị Nguyễn Thị Minh, ngụ quận 9, TP HCM bức xúc.
Một chuyên gia tài chính nhận xét ở các nước, người dân không sử dụng tiền mặt bởi hệ thống hạ tầng cơ sở đã phát triển đồng bộ. “Người dân có rất nhiều sự lựa chọn trong các kênh thanh toán và không có điều kiện… dùng tiền mặt. Ở Việt Nam, hơn 80% các giao dịch qua ATM vẫn là rút tiền mặt và khách hàng không có nhiều sự lựa chọn, nay nộp tiền vào tài khoản cũng phải đóng phí là chưa ổn” - vị này nói.
Cũng theo vị này, NH Nhà nước chỉ nên trao quyền thu phí dịch vụ tiền mặt cho các NH thương mại để nhờ chuyển khoản người khác, thu phí nhận tiền mặt tại chi nhánh khác địa bàn hoặc thu phí nhận nếu số tiền đó được chuyển đến từ NH khác...
Âm thầm tăng phí rút tiền ATM nội mạng
Một số bạn đọc phản ánh gần đây, khi rút tiền nội mạng qua ATM đã bị mất phí từ 1.100 đồng/lần lên 2.200 đồng/lần. Nếu rút tiền ngoại mạng, khách hàng phải mất phí 3.300 đồng/lần nhưng chỉ được rút tối đa 2 triệu đồng/lần.
“Từ đầu tháng 6 đến nay, 2 lần rút tiền tôi đều bị đánh mức phí mới. Nghe nói năm sau mức phí sẽ là 3.300 đồng/lần nội mạng nhưng tôi không nhận được bất kỳ thông báo nào từ NH, vào website của NH cũng không có” - anh Nguyễn Hồng Nguyên, ngụ quận 9, TP HCM phàn nàn.
Cũng theo anh Nguyên, một tài khoản thanh toán của anh đang bị “chặt” hàng loạt phí như phí đóng mở tài khoản, phí thường niên, phí quản lý tài khoản, phí in sao kê, phí phạt đóng trễ hạn, phí phạt đóng sớm hạn, phí chuyển tiền khác vùng (nội bộ NH), phí internet banking…