Ghi nhận trong năm 2019, kinh doanh bất động sản dẫn đầu trong những ngành nghề kinh doanh có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể nhiều nhất với 1.284 doanh nghiệp.
Gần 700 doanh nghiệp giải thể trong năm 2019
Trước đó, anh Thành, nhân viên môi giới bất động sản tại một công ty môi giới lớn tại TP.HCM chia sẻ với Zing.vn: "Năm nay thị trường hiếm hàng, những sàn nhỏ lẻ thì cầm hơi, rất nhiều sàn không duy trì được phải chấp nhận đóng cửa."
Nói thêm về tình trạng này, anh Thành cho biết nguyên nhân là thị trường không đủ hàng để bán, trong khi nhân viên lại quá nhiều, các sàn phải vừa phải cầm cố trả lương cho nhân viên, vừa lo các chi phí như mặt bằng, marketing...
Theo số liệu mới công bố của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết năm 2019, bất động sản là ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể cao nhất với 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% theo năm và 686 doanh nghiệp giải thể, tăng 39,4%.
Có khoảng 1.284 doanh nghiệp bất động sản giải thể và ngừng hoạt động trong năm 2019. Ảnh: Lan Anh.
Trong khi đó, báo cáo này không ghi nhận thông tin về số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới.
Bình luận về tình hình này, chuyên gia kinh tế Sử Ngọc Khương cho rằng số lượng 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể nói trên chủ yếu là những công ty cung cấp dịch vụ môi giới.
"Nguyên nhân chính là trong năm qua, thị trường đã chứng kiến một sự thiếu hụt lớn về nguồn cung nên các doanh nghiệp này không có hàng để bán. Chính vì vậy, khi nói nhiều doanh nghiệp bất động sản "chết" trong năm 2019, cần phải nhìn nhận rằng chúng ta đang nói đến các công ty khởi nghiệp và các công ty môi giới nhà đất trên thị trường", ông bình luận.
Doanh nghiệp nhỏ chịu nhiều tác động
Xu hướng doanh nghiệp bất động sản nhỏ ngừng hoạt động và giải thể gia tăng trong năm qua là điều đã được đoán trước đối trong mắt giới chuyên gia. Đây là hệ quả của khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng khi lãi suất gia tăng và hạn chế những chương trình ưu đãi dành cho ngành bất động sản.
Cụ thể, lãi suất tiếp tục tăng cao (lãi suất huy động lên 8,7%, cộng thêm biên độ 3% thì lãi suất cho vay lên đến 11-12%); nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục giảm từ 45% xuống 40%, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản tăng từ 150% lên 200%… khiến cho ngân hàng phải cẩn trọng hơn trong việc cho vay kinh doanh bất động sản.
Ông Khương cho biết các doanh nghiệp bất động sản lớn với quỹ đất sạch hiện vẫn hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài ở cấp độ dự án.
"Trong trường hợp tín dụng bị thắt chặt để hướng dòng tiền vào sản xuất và kinh doanh hơn là bất động sản, các doanh nghiệp này vẫn còn quỹ đất sạch lớn, đủ năng lực để phát triển dự án. Bên cạnh đó, khi hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, họ kêu gọi được thêm nguồn vốn, nâng cao uy tín thương hiệu cũng như giá cổ phiếu đối với các công ty niêm yết", ông Khương nói thêm.
Theo chuyên gia, trong giai đoạn 2009-2010, thị trường đã đối mặt với cuộc khủng hoảng "thừa" khi nguồn cung bất động sản lớn nhưng không có người tiêu thụ. Tuy nhiên trong 3 năm trở lại đây, thị trường lại đang trong giai đoạn khủng hoảng thiếu bởi các đơn vị phát triển không có đủ quỹ đất lập dự án để bán.
Ngoài ra, giá thành sản phẩm cũng bị tác động bởi nhiều yếu tố. Hiện nay, các sản phẩm ở mức giá 20-30 triệu đồng/m2 rất hiếm trên thị trường mà nguyên nhân chủ yếu đến từ vấn đề pháp ký và quá trình đền bù.
"Trước đây, chúng ta có nhiều các sản phẩm có giá thành vừa phải. Tuy nhiên, thời gian phát triển dự án kéo dài, chi phí tài chính nâng cao, các chủ đầu tư phải phát triển các dự án phân khúc cao hơn như trung cấp, cao cấp và phân khúc hạng sang. Chính vì vậy có thể nói quỹ đất đóng vai trò rất lớn trong việc quyết định giá trị sản phẩm, đồng thời thời gian thực hiện dự án cũng có khả năng đẩy giá thành lên", ông Sử Đình Khương nhận định.