Sau giai đoạn phục hồi gần 100 điểm từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 7, thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào một giai đoạn lình xình và giảm nhẹ vào cuối tháng 7.
Nhiều chuyên gia phân tích độc lập cũng như của công ty chứng khoán lúc ấy đã cho rằng thị trường chứng khoán cuối năm khó vượt qua đỉnh ngắn hạn đầu năm khi thanh khoản toàn thị trường kém hơn nhiều so với thanh khoản của ba tháng đầu năm, và thị trường chứng khoán có khả năng lặp lại giai đoạn lình xình từ giữa đến cuối năm giống như năm ngoái.
Tuy nhiên, thị trường đã tăng giá trở lại vào những phiên giao dịch đầu tháng 8 với sự dẫn dắt dòng cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, VNM, FPT, VNM, HPG.... đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngành dầu khí như PVS, PVT, PGS... bùng nổ ở phiên giao dịch ngày 5-8 để VN-Index đạt 607.73 điểm. Mốc giá này đã vượt qua đỉnh ngắn hạn cũ 607.55 của phiên ngày 24-3-2014 và đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm 9tháng trở lại đây.
Cơ sở của việc tăng giá này đến từ kết quả kinh doanh tích cực 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết, khi đa số các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ nhiều hơn so doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sụt giảm.
Ngoài ra, hiện tượng tăng giá này có thể được lý giải đầy đủ thêm từ những thông tin vĩ mô tích cực, chẳng hạn như GDP 6 tháng đầu năm của cả nước tăng 5,18%, cao hơn so với cùng kỳ các năm 2012 và 2013, lạm phát tiếp tục giữ ổn định ở mức thấp, cả nước duy trì đà xuất siêu có được cuối năm 2012, dự trữ ngoại hối tăng lên mức ấn tượng trên 35 tĩ USD và chỉ số PMI (sản xuất và tiêu dùng) của Việt Nam vẫn cao trên 51 trong 9 tháng liên tiếp. Những tín hiệu này cho thấy nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi mặc dù chậm nhưng vẫn ổn định.
Đặc biệt cuối tháng 7-2014, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã công bố việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ( Cụ thể, mức tín nhiệm đối với trái phiếu của Chính phủ được tăng lên 1 bậc, từ mức B2 lên mức B1 và mức triển vọng được đánh giá là ổn định. Đồng thời, mức trần tín nhiệm đối với trái phiếu dài hạn phát hành bằng đồng ngoại tệ của Việt Nam được nâng từ mức B1 lên mức B2, mức trần tín nhiệm đối với tiền gửi ngoại tệ dài hạn được nâng từ mức B3 lên mức B2.).
Thông tin này cho thấy lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với những nỗ lực của Việt Nam đã cải thiện đáng kể trong thời gian qua, và điều đó sẽ tiếp tục khơi thông mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài vào nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.
Một số chuyên gia và nhà đầu tư có thể lo ngại về tốc độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam chậm dần đi khi chỉ số PMI có dấu hiệu suy giảm trong các tháng gần đây, cũng như chỉ số CPI đạt thấp và tăng trưởng tín dụng đạt thấp hơn nhiều so với kế hoạch gây ảnh hưởng đến kỳ vọng của nhà đầu tư đối với xu hướng của nền kinh tế và thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, ở góc độ của thị trường chứng khoán, người viết cho rằng những dấu hiệu này có mặt tích cực riêng cho thị trường chứng khoán. Bởi vì để duy trì sự phục hồi ổn định của nền kinh tế, Chính phủ sẽ có nhiều hơn những biện pháp hỗ trợ, đồng thời ngành ngân hàng sẽ có nhiều sức ép giải ngân các khoản vay mới trong những tháng cuối năm. Và từ đó, một phần dòng tiền được bơm ra sẽ tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán, giúp các chỉ số chung của thị trường tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong hai năm vừa qua.
Ở khía cạnh giao dịch trên thị trường chứng khoán, việc thanh khoản giảm thấp ngoài trừ sức cầu giảm do các nhà đầu tư ngắn hạn giảm giao dịch thì còn một lý do từ phía nguồn cung cổ phiếu. Quan sát giao dịch trên thị trường, người viết cho rằng nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức, đang kỳ vọng vào một xu hướng tăng giá lâu dài, vì thế họ đang tăng cường nắm giữ những cổ phiếu tốt, có nền tảng ổn định.
Suốt một quá trình phục hồi từ tháng 5 vừa qua, lượng cung đối với các cổ phiếu được đánh giá tốt như các mã vốn hóa lớn hàng đầu của thị trường, hay các mã vốn hóa vừa có nền tảng cơ bản tốt, thường hạn chế và lực cầu đối với các cổ phiếu sẽ tăng mạnh ở các phiên giảm giá điều chỉnh. Việc khối nước ngoài và khối tự doanh mua ròng trong tháng 7, khi thị trường duy trì ở mức 580 - 600 điểm cho thấy các nhà đầu lớn trên thị trường có thể đang kỳ vọng một vùng giá cao hơn nhiều so với hiện nay.
Vì thế, một khi thị trường tiếp tục duy trì ổn định trên vùng giá 585 đối với chỉ số VN-Index và 75 đối với chỉ số HNX-Index, người viết tin rằng thị trường chứng khoán hoàn toàn đủ khả năng chinh phục mốc 630 hoặc cao hơn nữa vào cuối năm, khi các doanh nghiệp niêm yết duy trì được kết quả kinh doanh tích cực của 6 tháng đầu năm và các biện pháp hỗ trợ kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng được triển khai trong thời gian tới.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả