Từng hoạt động nhiều năm trong ngành luật, từ khi về hưu cách đây 6 năm, bà Huỳnh Thị Ngọc Lan (Hà Nội) bắt đầu chơi chứng khoán. Chủ yếu với chiến lược sóng ngắn, diễn biến thị trường trong tháng thường khiến bà Lan quan tâm. "Không phải người mê tín nhưng hầu như tháng Bảy Âm lịch năm nào cũng không gặp may trong chuyện kinh doanh".
Năm nay, với niềm tin thị trường đang có nhiều cơ hội, nhà đầu tư này vẫn mua thêm 4-5 mã trong tuần qua, chủ yếu là những mã đầu cơ thuộc hàng midcap. Khối lượng từ 25.000-100.000 cổ phiếu mỗi loại. Tuy vậy, do thị trường đảo chiều đúng lúc, khi chứng khoán về tài khoản, nhà đầu tư này vẫn lỗ gần 10% so với lúc giải ngân.
Tương tự bà Lan, một số nhà đầu tư khác trên các diễn đàn tài chính còn rủ nhau “tạm nghỉ” chứng khoán trong tháng Bảy Âm lịch. Lâm Trần – một thành viên trong nhóm cho rằng lý do chủ yếu vẫn là các vấn đề liên quan đến dòng tiền, tin vĩ mô nhưng lại được dẫn dắt bởi cái cớ “tháng cô hồn kiêng đủ thứ kinh doanh, đến dân môi giới còn nói thế nữa là tiền trong túi mình”. Theo anh, nhiều người làm ăn lớn thường "chăm lễ bái, kiêng kị nhiều" thì những nhà đầu tư nhỏ lẻ lại càng nên tránh giao dịch trong tháng Bảy Âm lịch.
Hay như nhà đầu tư có nickname Luuvuscg còn cho biết đã bán hết chứng khoán từ cuối tuần trước và hiện chỉ ngồi quan sát bảng điện tử. “Tháng cô hồn, chia tay mà đi du lịch thôi”, anh chia sẻ.
Những diễn biến từng xảy ra trong quá khứ phần nào khiến tâm lý các nhà đầu tư dao động. Thống kê Vn-Index trong 5 năm gần đây cho thấy chỉ số này đa phần giảm trong tháng Bảy Âm lịch. Hai năm nổi bật nhất là 2012 và 2013 với mức sụt giảm ít nhất 20 điểm. Trong đó, năm 2012, Vn-Index lao dốc chủ yếu do sự cố Bầu Kiên đột ngột xuất hiện, hàng loạt nhà đầu tư khi đó đã liên tiếp bán tháo cổ phiếu. Thanh khoản thị trường xuống thấp, mỗi phiên sàn TP HCM chỉ khớp lệnh 30-50 triệu cổ phiếu, trị giá giao dịch chưa đầy 1.000 tỉ đồng.
Còn năm 2013, thị trường cũng chao đảo khi bước vào tháng bảy Âm lịch. Phiên đóng cửa của tháng "cô hồn" năm đó, Vn-Index còn 471,45 điểm, giảm 28,65 điểm so với hồi đầu tháng. Trước đó trong tháng sáu, chỉ số này còn tăng gần 14 điểm.
Ngay cả trong phiên giao dịch đầu tiên (28-7) của tháng bảy năm nay, chứng khoán tại hai sàn cũng đồng loạt giảm mạnh. Vn-Index mất gần 10,7 điểm, ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ hôm 12-5. Còn HNX-Index hạ 1,7 điểm, đóng cửa tại mốc 77,73 điểm. Tâm lý thị trường thiếu tích cực, lực bán áp đảo và chi phối hầu hết toàn phiên. Thông tin giá xăng dầu giảm hầu như không đủ mạnh giúp chứng khoán đảo chiều cũng như ổn định tâm lý người cầm cổ phiếu.
Hầu hết giới phân tích đều nhận định yếu tố tâm linh chỉ đóng góp phần nhỏ trong chuyện thị trường diễn biến lình xình. Thực chất, chứng khoán đã bắt đầu suy yếu từ cách đây gần nửa tháng, một chuyên gia phân tích cổ phiếu có thâm niên tại Hà Nội đánh giá và nhấn mạnh thêm giai đoạn hiện thời có thể xem là bước tạm nghỉ của thị trường sau chuỗi ngày tăng trưởng nóng.
Từ sau biến động mạnh do căng thẳng Biển Đông hôm 8-5, chứng khoán đã có thời gian hồi phục quá nhanh. Chỉ trong hơn một tháng, các cổ phiếu đã trở lại mặt bằng giá tương đương với giai đoạn trước đó và duy trì cho đến tháng 7. Chuyên gia này cho rằng vùng giá cao cũng không còn hấp dẫn và đến giai đoạn cần điều chỉnh như thường lệ.
Cũng chung nhận định trên, ông Trần Thăng Long – Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá thị trường vẫn đang trong giai đoạn chốt lời và có phần đuối sức trước áp lực bán. Theo chuyên gia này, hiện thời các thông tin được xem là hỗ trợ khá èo uột. Kết quả kinh doanh hầu hết đã được công bố và cũng chỉ ảnh hưởng đến một số cổ phiếu lớn. Chuyện nhịp điều chỉnh xuất hiện cũng là lẽ tất yếu. Chỉ có điều mọi thứ diễn ra trùng đúng vào thời điểm dân gian quen gọi là “tháng cô hồn”.
“Tôi nghĩ khái niệm tháng cô hồn chỉ là cái cớ, không phải yếu tố gây giảm điểm”- ông Long khẳng định. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh thêm biến động thị trường theo ngày rất khó dự báo, quan trọng là xu hướng thực chất ra sao.
Theo quan sát của một chuyên gia phân tích cổ phiếu tại Hà Nội, thống kê 7 năm gần đây nhất cho thấy chỉ một nửa số này gặp nhịp điều chỉnh vào tháng cô hồn. Qua đó, xu thế từ nay đến cuối năm, ông nhận định vẫn là tích cực hòa cùng đà phục hồi của nền kinh tế.
Lý giải thêm về đánh giá này, vị chuyên gia cho hay doanh nghiệp thường theo chu kỳ tái cấu trúc mạnh vào cuối III. Những đơn vị nào từng tái cấu trúc vào cuối năm nay thì sang quý III năm nay sẽ có chuyển biến rất mạnh mẽ về mặt kết quả kinh doanh. Đây cũng là thời kỳ nhà đầu tư thường chú ý nhiều về chiều hướng cũng như triển vọng các doanh nghiệp.
Như vậy, “với diễn biến giảm trên thị trường chứng khoán như hiện tại, các cổ phiếu đi nhanh vào vùng giá ảm đạm. Về cơ bản điều này phù hợp cho những nhà đầu tư dẫn đầu trong việc giải ngân. Do đó, đến cuối năm, quãng tháng 10-12, chứng khoán có nhiều cơ hội hứa hẹn sôi động”, chuyên gia này kết luận.
Báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2014 do Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa công bố cũng chia sẻ cái nhìn lạc quan. Theo đó, thị trường có thể chứng kiến những đợt sóng tăng giảm đan xen và điểm số nhiều khả năng sẽ nhích nhẹ so với thời điểm cuối quý II. Các chuyên gia phân tích VCBS cũng dự tính mức tăng này tương đương với hồi đầu năm nay.
Đồng thời, báo cáo triển vọng của VCBS cũng nhận định giai đoạn quý IV thường là thời điểm khối ngoại bắt đầu hoạt động mạnh trở lại, nhất là trong bối cảnh dòng vốn rẻ nhiều khả năng tiếp tục duy trì ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đến hết 2014. Đây được xem như yếu tố tạo hưng phấn, duy trì tâm lý tích cực cho nhà đầu tư trong nước.
Chung quan điểm như vậy, một số nhà đầu tư khác trên thị trường vẫn tiếp tục giữ cái nhìn lạc quan và phớt lờ tâm lý về "tháng cô hồn". Anh Nguyễn Phúc – chuyên viên môi giới tại Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định đây là cơ hội tốt để gom cổ phiếu. “Nếu nhiều tiền hơn, chắc chắn tôi còn tiếp tục giải ngân để mua thêm những cổ phiếu có chất lượng cơ bản tốt”, anh Phúc chia sẻ. Còn bà Huỳnh Thị Ngọc Lan, dù lợi nhuận chưa được như ý, nhà đầu tư này cho biết vẫn tiếp tục giữ danh mục và tin rằng thị trường năm nay còn nhiều cơ hội mới.