Anh Long, nhà đầu tư "chân ướt, chân ráo" bước vào thị trường chứng khoán cho biết, cổ phiếu B82 của Công ty cổ phần 482 vừa chào sàn UPCoM ngày 31/8, với giá tham chiếu 1.000 đồng/cổ phiếu.
Trong phiên giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu B82 dao động từ 1.000 - 1.400 đồng/cổ phiếu. Anh chưa đầu tư vào cổ phiếu này, vì thấy kết quả hoạt động của doanh nghiệp đang đi xuống.
Theo tìm hiểu của anh Long, B82 bị hủy niêm yết bắt buộc trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) nên phải chuyển xuống sàn UPCoM. Nguyên nhân hủy niêm yết là B82 chậm nộp báo cáo tài chính năm đã kiểm toán trong 3 năm liên tiếp 2015, 2016, 2017.
Cổ phiếu B82 giao dịch phiên cuối trên HNX vào ngày 17/8, với giá 1.000 đồng/cổ phiếu. Trong gần 1 tháng trước đó, giá cổ phiếu này liên tục tăng trần, giảm sàn, dao động trong khoảng 700 - 1.100 đồng/cổ phiếu.
B82 hoạt động chính trong lĩnh vực thi công các công trình giao thông, có vốn điều lệ 50 tỉ đồng, tương ứng với 5 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Mức vốn này được tăng lên từ mức 30 tỉ đồng trong quý I/2016.
Trong năm 2016, Công ty đạt 305 tỉ đồng doanh thu, 47 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, tiếp tục đà suy giảm mạnh (năm 2015, doanh thu 446 tỉ đồng, lợi nhuận 621 triệu đồng; năm 2014, doanh thu 719,3 tỉ đồng, lợi nhuận 3,3 tỉ đồng; năm 2013, doanh thu 723,7 tỉ đồng, lợi nhuận 6,4 tỉ đồng).
Năm 2017, doanh thu giảm còn 121,3 tỉ đồng, lợi nhuận tăng lên 517 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu đạt 25 tỉ đồng, lợi nhuận 164 triệu đồng. Thời điểm cuối tháng 6/2018, B82 có vốn chủ sở hữu 50,6 tỉ đồng.
"Tôi xem xét một số cổ phiếu giá thấp khác, nhưng thấy doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ kéo dài và vi phạm các quy định về công bố thông tin", anh Long nói.
Chẳng hạn, cổ phiếu ASA của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng ASA, trong 6 tháng qua, giá liên tục giảm từ 3.500 đồng/cổ phiếu xuống 800 đồng/cổ phiếu.
ASA bị đưa vào diện kiểm soát và bị hạn chế giao dịch từ 31/7/2018 (chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần), do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán và không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến bị đưa vào diện cảnh báo sau khi chứng khoán bị cảnh báo.
ASA có vốn điều lệ 100 tỉ đồng, giai đoạn 2014 - 2016 lãi từ 1,2 - 1,8 tỉ đồng/năm; năm 2017 đạt 71,8 tỉ đồng doanh thu, lỗ sau thuế 11,1 tỉ đồng; quý I/2018 đạt 13,3 tỉ đồng doanh thu, 150 triệu đồng lợi nhuận sau thuế.
Hay cổ phiếu LCM của Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Lào Cai có giá hơn 700 đồng/cổ phiếu. LCM chưa công bố báo cáo thường niên 2017. LCM có vốn điều lệ 246,3 tỉ đồng, duy trì từ năm 2013 đến nay.
Những năm gần đây, Công ty lãi - lỗ luân phiên: năm 2014 lỗ 48 tỉ đồng, năm 2015 lãi 4,3 tỉ đồng, năm 2016 lỗ 8,8 tỉ đồng, năm 2017 lãi 1,9 tỉ đồng, quý I/2018 lãi 540 triệu đồng, quý II sau đó lỗ 261 triệu đồng, trong khi kế hoạch cả năm 2018 là 30 - 70 tỉ đồng doanh thu, lãi sau thuế 3 - 7 tỉ đồng.
Một cổ phiếu giá thấp do doanh nghiệp liên tục thua lỗ, nhưng mức lỗ đang giảm dần là PVV của Công ty cổ phần Vinaconex 39. Công ty này có vốn điều lệ 300 tỉ đồng, tương ứng 30 triệu cổ phiếu đang lưu hành.
Năm 2016, PVV lỗ 41 tỉ đồng, năm 2017 lỗ 34,3 tỉ đồng, kế hoạch năm 2018 lỗ 18,1 tỉ đồng, nhưng 6 tháng đầu năm chỉ lỗ gần 4 tỉ đồng (quý I lỗ 3,5 tỉ đồng, quý II lỗ 341 triệu đồng). Trên sàn, giá cổ phiếu PVV gần đây dao động trong khoảng 700 - 800 đồng/cổ phiếu.
"Tôi sẽ xem xét thêm một số doanh nghiệp, nếu không tìm được cơ hội đầu tư tốt sẽ chuyển hướng sang các cổ phiếu trong chỉ số VN30 và HNX30", anh Long cho biết.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, trưởng phòng phân tích tại một công ty chứng khoán cho hay, trên sàn chứng khoán có khoảng 100 cổ phiếu có thị giá dưới 2.000 đồng, trong đó gần một nửa giá dưới 1.000 đồng.
Anh tìm hiểu không ít cổ phiếu "giá bèo", với mong muốn tìm được cổ phiếu bị định giá thấp, hoặc doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhưng có triển vọng hồi phục để khuyến nghị khách hàng đầu tư trung và dài hạn.
Tuy nhiên, với các doanh nghiệp đã tìm hiểu, anh chưa tìm được thông tin để có thể kỳ vọng doanh nghiệp sớm cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Một số nhà đầu tư lâu năm chia sẻ, họ không quan tâm đến những cổ phiếu "giá bèo". Giá các cổ phiếu này biến động mạnh, hấp dẫn để lướt sóng, nhưng thanh khoản quá thấp, mua nhiều sẽ khiến giá tăng, giả sử mua được cũng khó bán được.
"Trên sàn có nhiều doanh nghiệp lớn đáng để đầu tư. Mua gom các cổ phiếu nhỏ của doanh nghiệp đang gặp khó khăn với kỳ vọng hoạt động kinh doanh phục hồi là rất rủi ro, hoặc bị chôn vốn kéo dài. Các cổ phiếu lớn, tuy thị giá cao, tưởng chừng đắt nhưng có cơ hội tăng giá và ít rủi ro, vì doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả, ngành nghề kinh doanh triển vọng, thanh khoản cao. Quan điểm của tôi là không đầu tư các cổ phiếu giá bèo, thanh khoản thấp, thiếu minh bạch", một nhà đầu tư lâu năm nói.