Khi thế giới tài chính chao đảo vì virus corona, các nhà đầu tư đã ồ ạt tìm đến đồng USD bởi đồng bạc xanh vẫn được coi là một hầm trú ẩn an toàn, khiến USD tăng giá mạnh. Tuy nhiên, hiện tượng này chính là thứ tiếp theo khiến các nền kinh tế trên toàn thế giới – vốn đang bị dịch bệnh giáng 1 đòn mạnh – phải đau đầu. Trong đó, các thị trường mới nổi đặc biệt mong manh khi mà đồng nội tệ lao dốc và lực cầu nội địa sụt giảm.
Mặc dù chỉ trong chưa đầy 1 tháng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã có tới 2 lần hạ lãi suất khẩn cấp, sức hấp dẫn của đồng USD vẫn không hề vơi đi. Các nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi với số vốn bị rút ra cao kỷ lục, đổ xô mua vào USD.
Vì USD đã gắn kết với kinh tế toàn cầu hơn bao giờ hết, đà tăng giá của nó đang gây thêm sức ép lên các doanh nghiệp và chính phủ với chi phí cho các khoản nợ bằng USD ngày càng tăng cao. Giờ đây ngân hàng trung ương (NHTW) của các thị trường mới nổi đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: khi hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, họ đứng trước nguy cơ đồng nội tệ mất giá mạnh nếu hạ lãi suất quá nhiều.
Tuần trước, chỉ số Bloomberg Dollar Index tăng 3,4%, mạnh nhất kể 2008 và lên mức cao nhất trong gần 3 năm trở lại đây. Đồng bạc xanh tiếp tục tăng giá sau khi các NHTW và chính phủ các nước đồng loạt hành động để ngăn chặn những thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra đối với kinh tế thế giới.
"Đà tăng giá của USD là 1 cú đánh khác giáng vào các thị trường mới nổi", Mitul Kotecha, chiến lược gia cao cấp tại TD Securities ở Singapore nói. "Nhu cầu về đồng USD quá cao khiến dù Fed hạ lãi suất rất mạnh thì cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến giá USD. Các tài sản trên thị trường mới nổi sẽ tiếp tục giảm giá vì nhà đầu tư vẫn đang tránh xa các tài sản rủi ro và ưa chuộng tài sản an toàn".
NHTW Thổ Nhĩ Kỳ là bên mới nhất trong nhóm các thị trường mới nổi hạ lãi suất khẩn cấp. Hàn quốc, Chile, Việt Nam, Sri Lanka và Pakistan đều đã theo chân Fed, trong khi Nam Phi, Indonesia và Brazil được dự báo sẽ có động thái tương tự ngay trong vài ngày tới.
Nghiên cứu mới của Ngân hàng thanh toán quốc tế BIS cho rằng kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, nếu đồng USD tăng giá mà điều đó là không mong muốn thì tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ suy giảm. Lý do có thể xuất phát từ việc các điều kiện tài chính bị thắt chặt do các khoản nợ bằng USD cho thị trường mới nổi tăng trưởng chậm lại.
Hiện các thị trường mới nổi đang bị rút vốn kỷ lục, đạt 30 tỉ USD trong 45 ngày gần đây, theo số liệu của Viện tài chính quốc tế IIF. Tất cả các đồng tiền mới nổi chủ chốt mà Bloomberg theo dõi đã giảm giá so với USD kể từ 20-1 đến nay – thời điểm dịch bệnh bắt đầu khiến thế giới lo lắng. Trong đó rúp Nga và peso Mexico đã giảm gần 20%.
Đã có thể cảm nhận nỗi đau ở các thị trường mới nổi châu Á, nơi các cú sụt giảm gợi lại ký ức kinh hoàng về khủng hoảng tài chính cách đây hơn 2 thập kỷ. Đồng rupiah của Indonesia diễn biến tệ nhất ở châu Á kể từ đầu năm đến nay (giảm 8,9%), trong khi đồng won Hàn Quốc giao dịch ở gần mức thấp nhất kể từ 2010, và đồng rupee của Ấn Độ rơi xuống mức thấp kỷ lục vào tuần trước.
Theo đánh giá của Khoon Goh, chuyên gia tại ngân hàng ANZ, các thị trường mới nổi ở châu Á đang rất thận trọng để vừa có thể hạ lãi suất lại vừa có thể kiểm soát tỷ giá. Để làm như vậy sẽ phải sử dụng dự trữ ngoại hối, nhưng các nước sẽ không cố gắng chặn đứng đà giảm hay bảo vệ 1 ngưỡng cụ thể nào đó. Trong bối cảnh hiện tại, khi lực cầu bên ngoài rất yếu, cho phép đồng nội tệ giảm giá ở mức nhất định đồng thời hạ lãi suất là cách tốt nhất để giảm bớt áp lực trên thị trường tài chính".
Cả Indonesia và Philippines đều được dự báo sẽ hạ lãi suất vào ngày mai, trong đó Philippines có thể hạ lãi suất mạnh hơn mức thông thường.
Không chỉ các thị trường mới nổi phải hứng chịu những tác động tiêu cực từ USD tăng giá. Đôla Australia đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2003 – điều sẽ khiến chi phí nhập khẩu tăng lên mà không thể được bù đắp bằng các lĩnh vực du lịch nội địa và giáo dục như thông thường vì dịch bệnh. Đồng krone của Na Uy cũng đã giảm hơn 16% kể từ đầu năm đến nay, bị ảnh hưởng bởi giá dầu.
NHTW các nước phát triển đang phối hợp để đảm bảo dòng chảy USD trên toàn cầu thông suốt. Fed thông báo giảm lãi suất đối với các hợp đồng hoán đổi tiền tệ với 5 NHTW khác. Đây là chính sách đã từng được sử dụng thời khủng hoảng tài chính toàn cầu.
"Đồng USD mạnh là cơn gió ngược đối với các thị trường mới nổi, đặc biệt là những nước phụ thuộc vào nguồn USD từ bên ngoài và áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi", Todd Schubert, chuyên gia nghiên cứu của Bank of Singapore nói.