Mỗi khi nhắc đến vụ đầu tư đất ở Thanh Hóa là vợ chồng anh Hoàn và chị Lương lại xích mích nhau. Số là hồi tháng 9/2019, anh Hoàn được mấy người bạn rủ đầu tư lướt sóng ở một dự án đất nền nằm ngoại ô TP Thanh Hóa nên về bàn với vợ. Chị Lương thấy đầu tư khi đó khá mạo hiểm nên không đồng ý.
Cuối cùng, thuyết phục mãi, chị Lương mới đồng ý cho chồng đầu tư. Tuy nhiên, số tiền chỉ là 400 triệu đồng, thay vì đề xuất 800 triệu như ban đầu của anh Hoàn.
Anh Hoàn đem 400 triệu mua chung một lô đất nền với 3 người bạn nữa và kỳ vọng chỉ sau 2-3 tháng, sẽ thu về khoản lợi nhuận khoảng 100-200 triệu khi “sóng” đầu tư tiếp tục tăng cao. Tuy vậy, vào khoảng cuối năm 2019, thị trường bất động sản rơi vào cảnh trầm lắng. Lô đất mà anh Hoàn và bạn mình kỳ vọng không những không tăng giá mà còn giảm.
Rủi ro khi tiền đổ vào vàng và trái phiếu
Ở tuổi gần 50, anh Hoàn và chị Lương giống như nhiều cặp vợ chồng khác đã khá dư giả, có một khoản tiền để dành sau nhiều năm tích cóp. Nhiều người lựa chọn thay vì để tiền nằm im sẽ đầu tư vào một kênh nào đó, vừa an toàn, vừa sinh lời, lại vừa có thể rút ra bất cứ khi nào nếu có việc cần.
Một vài năm trước, đầu tư bất động sản trở thành trào lưu. Tuy vậy, sau vài năm, một số chủ đầu tư bị “vỡ trận” cam kết lợi nhuận khiến nhiều nhà đầu tư lao đao. Nhiều người muốn rút vốn khỏi kênh này cũng không được.
Giai đoạn hiện nay, thị trường bất động sản khá trầm lắng. Các giao dịch chủ yếu là phục vụ nhu cầu thực, để ở. Bất động sản công nghiệp có tiềm năng nhưng những nhà đầu tư cá nhân khó tham gia được.
Cùng với thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp từng là kênh được nhà đầu tư rầm rộ đổ vốn vài năm trước thì nay cũng bộc lộ rủi ro. Doanh nghiệp huy động nhiều trái phiếu lại chính là các doanh nghiệp bất động sản. Khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, rủi ro với nhà đầu tư trái phiếu là không hề nhỏ.
Mặc khác, Bộ Tài chính mới đây cũng đã cảnh báo nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn.
Gửi ngân hàng vẫn là kênh an toàn, bền vững
Khi bất động sản và trái phiếu rủi ro, nhiều người sẽ nghĩ đến đầu tư vào chứng khoán và vàng. Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 7 (trước khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ hai), khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng so với tháng 6 với khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 212.000 hợp đồng, tăng hơn 18% so với tháng trước.
Tổng hợp giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Ảnh: HNX
Theo phân tích, dù thị trường tăng điểm, thanh khoản giảm dần đều và thấp kỷ lục trong nửa đầu tháng 6. Lý do là có một lượng giao dịch lớn khi VN-Index ở vùng giá 890-910 điểm, có nghĩa là lượng hàng lớn bị kẹt ở vùng giá này. Nếu thị trường không lấy lại được mức giá đó và đi xuống, thì nhà đầu tư mới sẽ thiệt hại nặng.
Vàng cũng chứng kiến cảnh biến động và những rủi ro khó đoán. Sau khoản đầu tư đất của chồng ở Thanh Hóa, vợ chồng anh Hoàn, chị Lương còn khoản tiết kiệm 600 triệu đồng. Từ cuối tháng 7, đầu tháng 8, khi giá vàng liên tiếp lập đỉnh, chị Lương bàn với chồng sẽ rút toàn bộ tiết kiệm để đầu tư lướt sóng vàng.
Khi giá vàng vượt mốc 57 triệu, chị Lương được nhiều người tư vấn rằng vàng sẽ còn lên nữa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngày 4/8, chị Lương rút 600 triệu, kịp mua khoảng 10 cây vàng lúc giá lên 58 triệu. Vài hôm sau, vàng lập đỉnh lên 62,42 triệu, sau đó sụt nhanh về mốc 60,32 triệu. Chị Lương quyết định đi bán gấp để chốt lời.
Tuy nhiên, phiên hôm đó, giá mua vào chỉ được 58,5 triệu đồng. Tính ra, vợ chồng anh Hoàn, chị Lương vẫn lãi 500.000 đồng/lượng, tổng cộng được 5 triệu, nhưng được một phen “hú hồn” về đầu tư. Những ngày sau, vàng liên tiếp hạ sâu và khó có thể lập lại mốc 58 triệu đồng/lượng.
Sau lần đó, anh Hoàn bàn với vợ vẫn nên chọn kênh gửi tiết kiệm ở ngân hàng cho an toàn với khoản tiền để dành của gia đình mình.
Theo các chuyên gia, gửi tiết kiệm vẫn là kênh được nhiều người lựa chọn bất chấp những thông tin nói về hạ lãi suất huy động. Tính đến cuối tháng 7, huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn tăng 5,31%, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,45%.