Theo các chuyên gia, trong thời đại công nghệ 4.0, nếu đẩy mạnh thanh toán qua QR code trên di động sẽ tiết kiệm nguồn lực, chi phí cho xã hội. Khi đó mỗi chiếc di động của người dân chính là cây ATM.
Máy ATM và POS đã lỗi thời?
“Từ nhà tôi phải đi 3km mới đến được điểm giao dịch ngân hàng. Như vậy, tôi phải mất quá nhiều chi phí thời gian. Trong khi đó, nhiều người dân tại Bắc Ninh dùng điện thoại thông minh nhưng chủ yếu để nghe, gọi, lướt Facebook, nhắn tin Zalo. Người dân chưa dùng di động cho các giao dịch thương mại.
Với đặc thù quê tôi, ngân hàng không cần xây dựng quá nhiều ATM, chỉ cần chính sách bảo mật tốt, an toàn đảm bảo giao dịch qua Internet, sản phẩm dịch vụ hấp dẫn để nông dân tăng cường sử dụng và giao dịch. Tôi muốn nhân viên của tôi sau khi trả lương không phải xếp hàng ở cây ATM rút tiền” - ông Nguyễn Đăng Cường - Giám đốc Công ty TNHH Lucavi (Bắc Ninh) - cho biết.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện một ngân hàng cho biết hiện nay chi phí để đầu tư một máy ATM là khoảng 30.000 USD, nếu muốn đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt qua ATM thì cần lắp đặt cây ATM tại 11.000 xã trên toàn quốc.
Trong khi đó giá máy POS là khoảng 1.000 USD/máy nhân với 30.000 thôn, xóm trên toàn quốc. Như vậy con số đầu tư ban đầu và phí duy trì hoạt động cho ATM và POS là rất lớn. Trong thời đại công nghệ 4.0, nếu đẩy mạnh thanh toán qua QR code trên di động sẽ tiết kiệm chi phí. Mỗi máy di động thông minh của người dân chính là cây ATM.
Đối với ngân hàng, khi việc thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh, tiền mặt sẽ không bị rút ra khỏi ngân hàng. Như vậy chi phí vốn sẽ rẻ hơn, ngân hàng không vất vả trong bài toán huy động vốn. Khi chi phí vốn đầu vào giảm thì lãi suất cho vay sẽ giảm.
85% giao dịch tại ATM là để rút tiền mặt
Đến thời điểm hiện nay việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế.
Số liệu công bố mới nhất cho biết 40% số dân Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền.
Những số liệu này cho thấy việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt hướng tới mục tiêu năm 2020, tiền mặt chỉ xuất hiện ở mức thấp hơn 10% trên tổng phương diện thanh toán là hết sức khó khăn, nhiều thách thức.
Ông Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân VN - cho biết mặc dù số lượng tài khoản ngân hàng gia tăng nhưng việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng sâu vùng xa hoặc nông thôn vẫn thấp. 85% các giao dịch qua ATM hiện vẫn để rút tiền, chỉ 15% giao dịch qua ATM là để thanh toán.
“Ngoài ra thói quen sử dụng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, thanh toán bằng tiền mặt không để lại dấu vết giao dịch và thông tin cá nhân. Việc tốn phí khi thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm phí chuyển tiền, làm thẻ, in sao kê, chậm thanh toán, rút tiền mặt tại ATM, phí giao dịch… Và quy trình, thủ tục mở tài khoản còn phức tạp cũng là cản trở lớn khiến nhiều người ngần ngại khi sử dụng hình thức này” - ông Nam nhận định.
Ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) - cho biết thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn chưa phổ biến vì tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, lo ngại về an ninh an toàn khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử của người dân.
Mặt khác, chưa có cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng đại lý; thiếu cơ sở hạ tầng dữ liệu định danh điện tử; đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trước rủi ro an ninh mạng, các hành vi lừa đảo; gian lận; đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân; mạng lưới chi nhánh, cơ sở hạ tầng thanh toán chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, chưa vươn tới được khu vực nông thôn…