- Ông là một trong những nhà đầu tư ngoại đầu tiên, am hiểu chứng khoán khi Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) của ông đã ở Việt Nam gần 30 năm. Riêng năm qua, ông ấn tượng nhất điều gì về thị trường?
- Đó là việc thị trường vượt đỉnh lịch sử. Trong quá khứ, VN-Index từng nhiều lần chạm đến ngưỡng này, muốn bước qua mà không có sức, nhưng cuối cùng chúng ta đã làm được.
Một lý do mang tính hệ thống hiện nay là niềm hy vọng của nhà đầu tư đặt vào vaccine chống Covid-19, sức khỏe của nền kinh tế, quyết tâm của các ngân hàng trung ương... Ngoài ra, một yếu tố quan trọng là số lượng và sự đa dạng của các thành phần tham gia trên thị trường. Một phần không nhỏ là sự xuất hiện của những nhà đầu tư F0.
Nếu nhìn riêng từ góc độ Việt Nam, làn sóng F0 vừa mang tới sự phấn khích cho tôi nhưng cũng không phải quá bất ngờ. Không ngạc nhiên bởi hiện nay là một giai đoạn đã xảy ra ở nhiều nền kinh tế khác. Một số nền kinh tế tương đồng trong khu vực, như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, khi GDP đầu người của họ đến một mức nào đó, một bộ phận người dân chuyển sang đầu tư chứng khoán. Việt Nam cũng tương tự.
Sự xuất hiện của lớp nhà đầu tư F0 cũng là một câu chuyện mang tính toàn cầu. Tại những nước đang phát triển, như Mỹ, cũng có làn sóng về những nhà đầu tư lần đầu tham gia thị trường.
Có phải do Covid-19 người ta ở nhà, không có gì làm nên mọi người chơi chứng khoán? Có phải nhờ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng eKYC đã giảm bớt rào cản tham gia? Có phải do chính sách tiền tệ nới lỏng, khiến mức lãi suất thấp đến mức thúc đẩy nhà đầu tư tìm kiếm kênh đầu tư khác. Theo tôi, chúng ta cần phân tích thêm để tìm nguyên nhân thực sự, nhưng rõ ràng đã có một sự "dân chủ hóa" trên thị trường chứng khoán.
- Có ý kiến nói rằng những nhà đầu tư F0 "vào nhanh" nhưng cũng "rút nhanh", đặc biệt khi thị trường diễn biến phức tạp có thể khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ, tạo ra những cú sốc với họ. Ông nghĩ sao?
- Thay vì nói đối tượng này thế nào, tác động ra sao, tôi nghĩ chúng ta nên đặt vấn đề ngược lại bằng một thông điệp gửi đến họ: Mọi người hãy nghĩ thật kỹ về khẩu vị rủi ro của bản thân trước khi tham gia thị trường. Hãy nghĩ thật kỹ.
Tôi đã có 30 năm trong ngành chứng khoán, nhưng cũng không biết ngày mai thị trường lên hay xuống. Càng tham gia, tôi nhận ra rằng điều quan trọng là đừng sợ tương lai. Để không sợ, chúng ta phải xây dựng nền tảng quản trị rủi ro. Bạn có tiền, vậy bạn sẵn sàng để vào chứng khoán trong bao lâu, "chịu được" khoản lỗ như thế nào. Nếu bạn xác định để tiền vào chứng khoán 10 năm, bạn sẽ có cái nhìn khác, còn nếu chỉ đầu tư đến cuối tuần, bạn phải cẩn thận.
Thị trường lên xuống thất thường là có, quan trọng trước khi tham gia chúng ta phải xác định rõ khẩu vị rủi ro của bản thân và phân bổ khoản đầu tư dựa theo điều đó. Ví dụ 100 đồng, chúng ta dùng 30 đồng cho những khẩu vị rủi ro cao, một phần cho những khoản đầu tư trung hạn và một phần cho những khoản đầu tư dài hạn.
Hay như chương trình hưu trí tự nguyện mà chúng tôi mới ra mắt, nó được phân loại là khẩu vị rủi ro rất thấp. Tiền của doanh nghiệp và người lao động được dùng đầu tư vào các tài sản an toàn, chúng tôi dự kiến phân bổ chủ yếu vào trái phiếu chính phủ và các quỹ cổ phiếu, trái phiếu. Do đó lợi nhuận kỳ vọng hàng năm của quỹ hưu trí tự nguyện khoảng 7%, ngang với gửi tiết kiệm. Mức đó có thể thấp với một số loại hình khác nhưng phù hợp với những ai có khẩu vị rủi ro kiểu này.
- Còn với Dragon Capital Việt Nam, thị trường hay gọi quỹ của ông là "tay to", "cá mập". Vậy có khi nào ông không đạt được mục tiêu khi đầu tư?
- Tất nhiên là có chứ. Có nhiều lý do, nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất là do chúng tôi chưa hiểu kỹ. Cần phải khẳng định rằng không có một mô hình quản trị nào là phù hợp cho tất cả, có nhiều mô hình, nhưng ý tôi là mô hình phù hợp. Ở những thương vụ không đạt đó, trách nhiệm là của chúng tôi, do chúng tôi chưa tìm hiểu kỹ.
- Thị trường hay truyền tai nhau, cứ khi nào DCVFM thoái vốn thì sau đó cổ phiếu sẽ tăng. Ông có cảm thấy tiếc vì điều đó?
- Tất nhiên là không rồi (cười). Bố tôi, khi ông dạy đầu tư có nói rằng, lúc nào cũng phải để lại 100% cuối cùng cho người khác. Câu này nghĩa là, khi thoát ra, chúng ta phải để lại một khoản lợi cho người tiếp theo. Mình càng tham, tham đến khoản lợi cuối cùng thì khả năng mình sẽ không đạt được mục tiêu. Điều này cũng quay trở lại khẩu vị rủi ro.
Tại DCVFM, khi phân tích cơ hội đầu tư, chúng tôi phân tích mức giá tham gia phù hợp và cũng tính luôn giá trị thoát ra phù hợp để cân đối rủi ro. Chúng ta không thể biết cổ phiếu sẽ lên bao nhiêu. Càng cố "mua đáy, bán đỉnh" thì nhiều khi không khéo chúng ta sẽ làm ngược lại.
- Câu chuyện F0 lên ngôi cũng khiến sự chú ý tập trung vào một đối tượng khác là nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều chuyên gia nói chứng khoán Việt Nam giờ "không sợ" khối ngoại nữa. Là một trong những nhà đầu tư ngoại đầu tiên, nhiều duyên nợ với thị trường, ông có "chạnh lòng"?
- Thực ra tôi đã biết điều này từ rất lâu rồi, là nhà đầu tư ngoại mất thiêng (cười). Điều này không có gì đáng sợ. Còn về xu hướng bán ròng của khối ngoại, tôi nghĩ có lý do.
Thứ nhất là khẩu vị rủi ro. Phản ứng đầu tiên của nhà đầu tư nước ngoài khi có diễn biến bất lợi, cụ thể là Covid-19, là họ sẽ rút tiền về nhà. Thứ hai là tình hình vĩ mô. Các ngân hàng trung ương bơm tiền ra thị trường để cứu nền kinh tế, duy trì mặt bằng lãi suất thấp và điều này bắt đầu dẫn tới hiện tượng lạm phát. Ngoài ra, đồng đôla tăng giá cũng khiến nhà đầu tư rót vốn vào các thị trường đang phát triển lo ngại. Lịch sử đã ghi nhận hiện tượng này, đồng bạc xanh tăng giá sẽ khiến dòng vốn chảy ngược về các nền kinh tế phát triển. Vấn đề là xu hướng rút vốn không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam mà toàn bộ các thị trường đang phát triển đều đang bị rút, khối ngoại rút rất nhiều.
Nhưng chúng ta không nên quá lo ngại. Hiện nay, nhà đầu tư trong nước chiếm 95%, nhà đầu tư nước ngoài chỉ khoảng 5%. Với cơ cấu đa dạng của các thành phần tham gia thị trường, tôi nghĩ chúng ta sẽ tạo ra một hệ sinh thái chứng khoán bền vững, không bị phụ thuộc vào một nhóm nhà đầu tư nhất định nào cả.
- Nhiều công ty chứng khoán, quỹ đầu tư nói khi tiếp xúc với khối ngoại họ đánh giá rất cao về thành công trong chống dịch và nền tảng vĩ mô ổn định của Việt Nam. Tại sao dòng tiền vẫn bị rút ra?
- Đúng là có những đánh giá như vậy, nhưng chúng ta không nên nhầm lẫn về đánh giá tổng thể và thực tế của thị trường chứng khoán. Việt Nam là một trong những nền kinh tế đang phát triển được đánh giá cao, thành công trong chống dịch giúp nâng vị thế nhưng nhà đầu tư không chỉ nhìn vào yếu tố vĩ mô để đầu tư.
Một yếu tố quan trọng khác là "rổ hàng" của thị trường chứng khoán có đáp ứng được nhu cầu của họ hay không. Ví dụ xu hướng trên thế giới đang là kinh tế số, thương mại điện tử, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam có được mấy cổ phiếu trong những ngành này?
Chiếc bánh của thị trường chứng khoán chúng ta vẫn còn nhỏ quá, thị trường thực sự thiếu những những cổ phiếu chất lượng, những ngành đang được quan tâm. Chưa kể, nhiều công ty tốt thì nay đã kín room ngoại. Tôi cho rằng câu chuyện "thiếu hàng hot" là một vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách phải lưu tâm.