Câu lạc bộ (CLB) bia hay beer club - một hình thức kết hợp giữa những quán bia vỉa hè truyền thống và với nhà hàng sang trọng ngày càng nở rộ ở Việt Nam, không chỉ hướng đến tầng lớp trung lưu mà ngày càng được bình dân hóa để phù hợp với những người lao động phổ thông.
Nguyễn Thái Lan vốn là khách quen tại một beer club gần văn phòng của anh tại quận Hoàn Kiếm, trung tâm Hà Nội từ khi mới mở. Vừa nốc cốc bia lớn cùng 2 người bạn, anh vừa tâm sự: “Không gian ở đây rộng và dễ chịu, bia lại ngon nữa”.
Ở gần đó là bàn của Như. Cô rất yêu thích chuỗi beer club này. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên cô mời bạn bè chi nhánh này để tổ chức sinh nhật. Vừa thưởng thức món bê tái chanh trên nền nhạc điện tử, Như vừa giải thích tại sao chuỗi nhà hàng này được ưa chuộng.
Theo Euromonitor International, người Việt uống 4% trong tổng số 72 tỉ lít bia được tiêu thụ tại châu Á trong năm 2013, trở thành thị trường tiêu thụ bia lớn thứ 3 châu Á sau Trung Quốc (70%) và Nhật Bản (9%), trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.
Anh Trần Hồng Vương, một quản lý của tập đoàn Golden Gate, đơn vị sở hữu chuỗi CLB bia cùng hàng chục chuỗi nhà hàng hiện đại khác, cho biết: “Nếu 3 năm trước, các nhân viên văn phòng thường ra vỉa hè uống bia hoặc tìm đến một nhà hàng sang trọng thì nay họ tìm đến beer club để khuây khỏa vừa bàn công việc”. Hiện nay, dù kinh tế vẫn khó khăn nhưng chuỗi CLB này trung bình vẫn đón 6.500 thực khách mỗi ngày tại khắp 9 chi nhánh ở Hà Nội, TP HCM và TP Vinh (Nghệ An).
“Trào lưu CLB bia đã bùng nổ trong vòng 2 năm qua” - Phan Vi, giám đốc bán hàng của một CLB bia ở quận 1, TP HCM, nhận xét và cho rằng các CLB bia đã tạo nên một phong cách sống mới cho những người Việt thích uống bia và ăn thức ăn đường phố nhưng thực phẩm ở đây vệ sinh hơn lại có nhiều loại bia để lựa chọn, đồng thời môi trường giải trí cũng khá thú vị.
Sean T.Ngo, giám đốc điều hành công ty tư vấn Vietnam Franchises, cho rằng thu nhập của người Việt ngày càng tăng trong vòng 15 năm qua là một yếu tố thúc đẩy ngành kinh doanh bia phát triển mạnh, trong đó các CLB bia nhắm vào khách hàng mục tiêu là những nhân viên văn phòng và doanh nhân trẻ.
Ở đó, một ly bia có giá khoảng 35.000 đồng tương đương 1,65 USD và mỗi phần ăn có giá khoảng 150.000 đồng. Mức giá này đắt hơn nhiều so với các quán vỉa hè, nơi một ly bia hơi giá chưa đến 10.000 đồng và đủ loại món ăn giá cũng chưa đến 100.000 đồng. Tuy vậy, mức giá tại beer club vẫn kém xa các nhà hàng xa xỉ khác nên nó vẫn được xem là “phải chăng” với tầng lớp trung lưu bất chấp kinh tế đang tăng trưởng chậm.
Ngoài chiến thuật về giá, các CLB bia còn hấp dẫn khách bằng việc tạo nên bầu không khí không kém cạnh những nhà hàng sang trọng. “Chúng tôi muốn tạo nên trải nghiệm ăn uống và tận hưởng thật đáng nhớ cho những vị doanh nhân và trí thức” - Chị Phan Vi chia sẻ. Thuật ngữ “ăn uống và tận hưởng” ở đây không chỉ liên quan đến uống nhiều bia mà còn bao gồm những dịch vụ khác như âm nhạc, trò chơi....
Mới đây, Golden Gate còn ra mắt thêm một thương hiệu beer club mới hướng đến những người lao động có thu nhập thấp hơn đôi chút so với khách hàng thường xuyên của chuỗi CLB bia hiện tại nhưng vẫn “cao cấp” hơn những quán bia hơi vỉa hè. Sean T.Ngo đánh giá cao thương hiệu CLB bia mới này vì nó hướng đến tầng lớp lao động phổ thông đông đảo trên thị trường.
Tuy nhiên, dù cấp cao hay cấp thấp thì sạch sẽ vẫn là một điểm cộng của các CLB bia trong lúc xã hội ngày càng lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ Công Thương Việt Nam thậm chí từng định ra lệnh cấm bán bia vỉa hè nhưng sau đó đã sửa đổi lại thành một số quy định liên quan đến bảo quản ít gây tranh cãi hơn như bia phải được trữ ở nơi cách mặt đất ít nhất 15 cm và không được trữ ở những nơi nhiệt độ trên 30 độ C...