Tại lễ công bố hợp tác chiến lược giữa CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) và CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco), ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết theo cam kết trong Thỏa thuận Đầu tư vào CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG), cá nhân ông sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc tái cấu trúc toàn diện công ty, trong đó có tái cơ cấu nợ và thu xếp vốn đầu tư để thực hiện chiến lược phát triển bền vững.
Theo tiết lộ của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAG, Thaco đã rót tiền vào HNG thông qua Hợp đồng mua bán Trái phiếu chuyển đổi HNG chưa phân phối hết cho các cổ đông hiện hữu (để cấn trừ các khoản nợ). Thông qua nghiệp vụ mua cổ phiếu, Thaco và nhóm cổ đông liên quan sở hữu 35% vốn HNG với tổng số vốn đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng.
Bên cạnh hợp tác tái cấu trúc HNG, Đại Quang Minh – đơn vị thành viên Thaco đầu tư để sở hữu 51% và sẽ tiếp tục nâng lên 65% HAGL Myanmar với số vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng. Đồng thời, Thaco sẽ chịu trách nhiệm chính đối với dự án tại Myanmar và đẩy nhanh việc xây dựng giai đoạn 2 để sớm hoàn thành dự án theo cam kết với Chính phủ Myanmar. Việc đầu tư phát triển giai đoạn 2 của dự án HAGL Myanmar có tổng vốn đầu tư ước tính 320 triệu USD, tương đương hơn 7.400 tỉ đồng và sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Như vậy, Thaco đã chính thức bỏ ra hơn 7.800 tỉ đồng để sở hữu 35% vốn HNG và 51% vốn HAGL Myanmar, đây chỉ là số tiền mua cổ phần để nắm quyền sở hữu. Ông Đức cho biết thêm HAG phát triển nhanh, bền vững và có lợi nhuận tốt, Thaco cam kết sẽ thu xếp để cơ cấu lại các khoản nợ vay khoảng 14.000 tỉ đồng, huy động vốn đầu tư vào việc chăm sóc diện tích trồng cây ăn trái đã có, mở rộng diện tích mới.
Đây thực sự là tin vui cho HNG cũng như HAG, nhưng có lẽ vui hơn nữa phải kể đến các chủ nợ của cả hai công ty.
Theo BCTC hợp nhất quý II, tại thời điểm cuối quý, HAG có khoản nợ vay 23.160 tỉ đồng gồm 2.965 tỉ đồng ngắn hạn và 20.196 tỉ đồng dài hạn. Chi phí lãi vay 6 tháng đầu năm 2018 của HAGL là hơn 805 tỷ đồng, tổng chi phí lãi vay phải trả tại thời điểm 30-6-2018 là hơn 2.530 tỉ đồng.Như vậy, với nguồn tiền từ bán cổ phần HAGL Myanmar 4.000 tỷ đồng và cam kết rót tiền tái cấu trúc nợ vay 14.000 tỉ đồng thì HAG sẽ giảm được gánh nặng đáng kể.
Tại thời điểm 30-6, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang là chủ nợ lớn nhất của HAG với 3.348 tỉ đồng, tiếp theo là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) 2.829 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các đơn vị khác như Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), Liên doanh Lào Việt, Ngân hàng TMCP Tiên Phong cũng có khoản nợ trên dưới 1.500 tỉ đồng tại HAG.
Cùng với vay nợ, HAG có khoản nợ trái phiếu lên đến 11.098 tỉ đồng. BCTC hợp nhất của HAG không nêu rõ trái chủ mà chỉ nêu ra đơn vị thu xếp phát hành trái phiếu. Theo đó, BIDV và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thu xếp phát hành gần một nửa số nợ trái phiếu của HAG với 5.876 tỉ đồng.
Chi tiết vay nợ của toàn Tập đoàn HAG tại 30/6/2018
Trong tổng nợ chung của toàn tập đoàn, phần đóng góp của công ty con HNG khá đáng kể. Tại báo cáo riêng phần nợ của công ty mẹ HAG là 10.099 tỉ đồng và phần nợ công ty con HNG là 12.440 tỉ đồng.
Tại HNG, chủ nợ lớn nhất là BIDV với 342 tỉ vay ngắn hạn và 2.313,5 tỉ vay dài hạn. HNG cũng nợ dài hạn HDBank và Sacombank, Ngân hàng Liên doanh Lào Việt – Chi nhánh Attapeu trên 1.000 tỉ đồng mỗi đơn vị.
Ngoài vay ngân hàng, HNG có vay dài hạn công ty mẹ HAG khoản tiền 3.112,7 tỉ đồng (giảm hơn 2.000 tỉ so với thời điểm đầu năm), CTCP Chăn nuôi Gia Lai 754 tỉ (tăng thêm 456 tỉ đồng) và cá nhân khác 5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, HNG có nợ trái phiếu 2.078 tỷ đồng do CTCP Chứng khoán Euro Capital và CTCP Chứng khoán IB thu xếp với thời gian đáo hạn 2021 và 2020.
Chi tiết vay nợ của công ty con HNG
Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang tìm đường tái cấu trúc lại công ty, từ việc chuyển mô hình kinh doanh sang trồng cây ăn trái và cây dược liệu; chờ thời điểm thích hợp để thu hoạch mủ cao su. Sự xuất hiện của "mạnh thường quân" Thaco ở thời điểm này sẽ là phao cứu cánh cho HAGL khi có dòng tiền thật hỗ trợ doanh nghiệp. Điểm rơi trả nợ của HAG vào năm 2020-2021, nếu không có một sức bật đủ mạnh để tạo nguồn thu trong 3 năm tới, HAGL sẽ gặp khó khăn trong việc cơ cấu lại dòng tiền.