Đồng loạt lao dốc
Hiện tượng bán tháo kim loại quý đã xảy ra trong tuần này. Bạc bị tổn thất nhiều nhất khi mất gần 1/5 giá trị chỉ trong vòng 4 phiên giao dịch, có thời điểm xuống dưới 22 USD/ounce. Vàng cũng giảm mạnh và có thời điểm chạm mức thấp nhất 2 tháng, là 1.850 USD/ounce. Bạch kim và palađi cũng không tránh khỏi xu hướng đó khi mất lần lượt 100 USD và 200 USD mỗi ounce trong tuần này.
Đó thực sự là điều bất thường đối với nhóm kim loại quý, bởi những ngày gần đây không có sự thay đổi lớn nào về môi trường tổng thể - các yếu tố rủi ro cũng như chính sách nới lỏng tiền tệ…
Có ý kiến cho rằng nhà đầu tư buộc phải có giao dịch để tạo ra thanh khoản. Cũng có ý kiến cho rằng giá giảm tiếp sau khi giảm xuống dưới mức trung bình của 50 ngày – ngưỡng mà các nhà đầu tư lấy làm cơ sở để bán ra.
Đa số các ý kiến khác cho rằng do biến động của đồng USD. Tuy nhiên, phân tích sâu hơn cho thấy rằng, các chuyên gia đang thực sự ‘chia rẽ’ khi đánh giá lý do đồng USD tăng vọt gần đây, bất chấp những bất ổn gia tăng xung quanh nền kinh tế Mỹ. Có ý kiến lý giải rằng do nguy cơ các nước Châu Âu phải tăng cường đóng cửa trở lại vì số ca nhiễm Covid-19 tăng lên và tác động của điều đó đối với USD. Cũng có người cho rằng xuất phát từ những bất ổn liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, và dĩ nhiên là có cả lý do liên quan đến lãi suất của Mỹ.
Thị trường bắt đầu trở nên ‘bối rối’ vì hiện tượng bất thường của nhóm 4 kim loại quý chủ chốt.
Sau khi tăng mạnh từ tháng 3 đến tháng 8, vượt ngưỡng rào cản tâm lý 2.000 USD/ounce, giá vàng đang chịu áp lực giảm, mất tới 100 USD mỗi ounce chỉ trong vòng 4 phiên gần đây.
Giá bạc đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm, trên 29 USD/ounce vào tháng 8, do các nhà đầu tư nhận định kim loại này bị định giá thấp hơn so với vàng. Vào tháng 3, giá vàng cao gấp 125 lần so với bạc, nhưng con số này đã giảm xuống còn 70 lần vào tháng trước.
Năm nay, các nhà đầu tư vàng bạc ưa chuộng hình thức mua thông qua các quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Tính từ đầu năm đến nay, các quỹ ETF đã thu hút lượng tiền đầu tư vào 870 tấn vàng thỏi. Tuy nhiên, xu hướng này đang chậm lại. Dòng vốn vào các quỹ ETF vàng trên toàn cầu tháng 6 đạt 103 tấn, tháng 7 đạt 167 tấn, nhưng tháng 8 chỉ còn 39 tấn.
Nửa đầu tháng 9, tiền vào các quỹ ETF vàng là 43 tấn và đang tiếp tục chậm lại. Sau khi giá vàng giảm vào ngày 21/9/2020, các quỹ ETF đã chứng kiến dòng tiền đổ vào nhiều nhất trong vòng ít nhất là một năm qua, do nhà đầu tư vàng tranh thủ mua lúc giá giảm. Tuy nhiên, giá giảm trong ngày tiếp theo không còn hấp dẫn nhà đầu tư muu vào nữa, thậm chí một số quỹ vàng đã bán ra. Nhìn chung, các nhà quản lý hợp đồng vàng tương lai vẫn đang giảm vị thế mua ròng. Mặc dù vậy, các quỹ ETF vàng vẫn đang là địa chỉ tiếp tục thu hút dòng vốn vào.
Trái ngược với các quỹ ETF vàng, các quỹ ETF bạc lại đang chứng kiến dòng tiền chảy ra từ đầu tháng 9 tới nay, ước tính tương đương khoảng 750 tấn bạc. Riêng lượng tiền chảy khỏi quỹ ETF bạc lớn nhất, là iShares Silver Trust, đã ở mức 4% trong tháng qua. Điều đó đã làm xóa đi gần như tất cả những gì đã có của 2 tháng trước. Dự báo thị trường bạc sẽ còn tiếp tục chịu áp lực từ việc nhà đầu tư ồ ạt rút tiền khỏi quỹ ETF.
Chiến lược gia kim loại quý của ABN Amro Bank NV, Georgette Boele, cho biết: "Các quỹ ETF đã tăng nắm giữ trong những ngày gần đây, và bây giờ họ tạm dừng để nhận định xem điều gì sẽ xảy ra…Nếu giá sẽ còn giảm tiếp, họ sẽ nhanh chóng bán mạnh".
Có lẽ yếu tố tác động chính lên giá vàng, bạc lúc này là đồng USD. Nhận định này nghe rất hợp lý, vì trên thực tế giá vàng và bạc đang giảm dù số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến trên toàn Châu Âu, và số ca tử vong ở Mỹ đã vượt 200.000 người (trái ngược với mấy tháng trước, việc Covid-19 diễn biến xấu đi làm cho giá vàng và bạc tăng).
Tuần này, đồng USD đã mạnh lên do một số người đã giảm kỳ vọng về việc Mỹ sẽ tăng cường kích thích kinh tế mạnh tay trong thời gian tới, bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn rất thận trọng với chính sách lãi suất.
Kim loại quý và đồng USD có xu hướng di chuyển ngược chiều nhau. Đồng bạc xanh giảm khiến kim loại trở nên đắt hơn khi tính bằng các loại tiền tệ khác và thu hút người mua mới - đặc biệt là những người tin rằng những chương trình kích thích tiền tệ lớn của Mỹ làm suy yếu đồng tiền. Jim Steel, một nhà phân tích của HSBC, cho biết: "Giá vàng và bạc đều không thể giữ vững khi đồng USD mạnh lên. Đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm một tài sản trú ẩn, đồng USD "có thể đáng để mua hơn", ông nói thêm.
Ngoài ra, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại cũng ảnh hưởng đến bạc – vốn được sử dụng nhiều hơn vàng trong lĩnh vực công nghiệp.
Giá vàng sẽ tăng hay giảm?
Bản thân vàng không tạo ra bất cứ lợi tức nào. Tuy nhiên, nó lại có sức hấp dẫn với vai trò là một tài sản đầu tư khi lợi suất thực tế của trái phiếu kho bạc Mỹ quá thấp. Lợi suất trái phiếu kho bạc thực tế (điều chỉnh theo lạm phát) giảm gây áp lực lên USD, khiến vàng hưởng lợi.
Các nhà phân tích của Commerzbank cho rằng, vàng và bạc đã bị bán quá mức trong thời gian gần đây, giữa lúc môi trường tích cực có lợi vẫn không hề thay đổi. Carsten Fritsch, chuyên gia phân tích thuộc Commerzbank AG, cho biết: "Đồng USD đang gây áp lực lên giá vàng bạc, bất chấp những rủi ro vẫn đang gia tăng". Tuy nhiên theo ông, đồng USD sẽ khó duy trì đà tăng khi mà FED đã cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng. Chính sách của FED sẽ là tiếp tục nới lỏng trong nhiều năm tới, do đó, "sức mạnh của đồng USD" khó có thể kéo dài.
Nhận định này hoàn toàn hợp lý khi mà cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới – điều sẽ làm cho đồng USD biến động mạnh. Trong 20 năm qua, giá vàng luôn có xu hướng biến động mạnh cả trước, trong và sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, do các nhà đầu tư đánh giá những tác động có khả năng xảy ra đối với đồng USD, lợi suất trái phiếu kho bạc và rủi ro chính trị toàn cầu. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 tới có thể sẽ là cuộc bầu cử gay cấn nhất trong vòng nhiều thập kỷ, tạo nên nhiều sự không chắc chắn – yếu tố có lợi cho vàng.
Ngoài ra còn các yếu tố khác như: căng thẳng địa chính trị xuất phát từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự bất ổn của Brexit - cũng khiến đồng USD khó có thể duy trì đà tăng- điều sẽ có lợi cho vàng.
Mặt khác, nhu cầu vàng vật chất rất lớn. Nhập khẩu vàng vào 2 trong số những thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới gần đây sa sút do giá tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhu cầu vàng trang sức ở Ấn Độ giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mùa lễ hội và mùa cưới ở Ấn Độ sắp đến, giữa bối cảnh thời tiết thuận lợi giúp tăng sản lượng nông sản, từ đó làm tăng thu nhập cho người nông dân, kéo theo nhu cầu đối với đồ trang sức bằng vàng tăng, nhất là ở các vùng nông thôn (chiếm hơn 50% nhu cầu vàng ở Ấn Độ). Đó là chưa kể nhu cầu đầu tư vàng ở Ấn Độ dự báo vẫn tiếp tục vượt nhu cầu vàng tiêu dùng, theo xu hướng chung trên toàn cầu, do kinh tế và thị trường việc làm hồi phục chậm.
Nhìn chung, đa số các chuyên gia vẫn tin rằng thị trường vàng sẽ tăng trở lại. Theo phân tích kỹ thuật, nếu giá vàng giảm xuống mức 1.800 USD thì nhà đầu tư nên tranh thủ mua vào.
Tham khảo nguồn: Thehindubusinessline, Reuters, FT