Vàng thiết lập mặt bằng giá mới
Vàng được định giá bằng USD và vì vậy, mọi diễn biến kinh tế chính trị liên quan tới giá USD tăng hay giảm đều khiến giá vàng có diễn biến ngược lại. Giá vàng đầu tháng 8 vừa qua đã có sóng tăng mạnh khi USD suy yếu và điều này đang chờ đợi được lặp lại. Yếu tố đột biến có thể nằm ở kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Câu chuyện nằm ở chỗ ứng xử của giới kinh doanh vàng và người dân trước những con sóng đó.
Vàng đang nhận được những điều kiện thuận lợi để có sóng
Kể lại câu chuyện của mình khi giá vàng đạt ngưỡng lịch sử 62 triệu đồng/lượng vào ngày 7/8, chị Đ.T.H, nhân viên bán lẻ tại Trung tâm Vàng bạc trang sức DOJI số 5 Lê Duẩn cho biết: "Làm nhiều năm tại đây, nhưng chưa bao giờ tôi thấy giá vàng biến động nhanh như vậy, thậm chí chỉ sau một vài giờ, bảng giá vàng niêm yết tại Trung tâm đã phải đổi".
Chị Đ.T.H cho biết, thông thường, giờ mở cửa của hệ thống DOJI trên toàn quốc là 9 giờ sáng, theo giờ giao dịch của thị trường vàng. Tại một số trung tâm lớn của DOJI, khách hàng đến giao dịch đông nhất chủ yếu trong khoảng từ 9h-15h. Tuy nhiên, trong những ngày giá vàng biến động mạnh, lượng giao dịch tăng vọt, lãnh đạo của Trung tâm đã phải chỉ đạo sẽ đóng cửa muộn hơn khoảng 1 tiếng để phục vụ nhu cầu giao dịch trong ngày của khách hàng.
Thực tế ghi nhận dù khách hàng không quá đông đến mức quá tải, nhưng đột biến so với ngày thường.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho biết, có một "quy luật" với thị trường vàng là khi giá vàng ổn định, lượng giao dịch không lớn, nhưng khi giá có biến động mạnh thì "tâm lý đám đông" sẽ lấn át, không ít người dân tham gia đầu tư "lướt sóng".
Đánh giá về đợt tăng giá vừa qua, ông Hải cho biết, một số ý kiến ông ghi nhận được thì giá vàng tăng mạnh đầu tháng 8 vừa qua chỉ là một cuộc tăng "hỗn" tương tự tháng 9/2011, khi vàng tăng lên 49,2 triệu đồng/lượng trong vài tiếng đồng hồ rồi chìm nghỉm, tụt xuống còn 36 triệu đồng/lượng gần 10 năm và đến tận bây giờ mới phục hồi trên 50-60 triệu đồng/lượng.
"Nhưng theo tôi, đánh giá như thế chưa toàn diện, chưa chính xác", ông nói.
Theo ông Hải, cần nhìn lại vào tỷ giá VND và USD năm 2011 chỉ hơn 20.000 VND/USD, trong khi tỷ giá hiện nay là hơn 23.000 VND/USD, chênh lệch khoảng 15%. Nếu lấy 36 triệu đồng/lượng x 15% quy đổi về tỷ giá thì đã tăng trên 40 triệu đồng/lượng, chưa kể hiện nay giá vàng thế giới đang ở mức cao. Nếu bỏ qua giai đoạn giá vàng đột ngột tăng lên 2.060 USD/ounce thì từ tháng 7 tới nay, giá vàng thế giới luôn trên mức 1.870 USD/ounce.
Hai yếu tố tỷ giá VND/USD và giá vàng quốc tế giữ mức cao khiến giá vàng dù tăng sốc đầu tháng 8 nhưng không giảm nhiều sau đó. Tuần qua, giá vàng đã tăng trở lại và đến cuối tuần (ngày 4/9), vàng SJC trong nước có giá bán ra 56,8 triệu đồng/lượng, không quá rớt sâu so với mức đỉnh 62 triệu đồng/lượng.
"Vàng vẫn chứa đựng nhiều yếu tố tăng giá mạnh trở lại", ông Hải nhận định.
Đồng tình với nhận định vàng vẫn "chực chờ" tăng giá, một chuyên gia trong lĩnh vực vàng cho biết, có 2 ẩn số đối với giá vàng. Thứ nhất, tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới rất lớn, dẫn đến các chính phủ phải đưa ra những gói cứu trợ. Càng nhiều gói cứu trợ kinh tế sẽ dẫn đến lạm phát và nhiều yếu tố bất lợi khác, nhưng khiến giá vàng được quan tâm lớn hơn. Người dân thấy vàng là nơi trú ẩn khá tốt nên đó là lý do tại sao người dân quay sang mua vàng.
Thứ hai, đó là những bất ổn địa chính trị vẫn tồn tại như bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới với 2 ứng cử viên Biden hay Trump tiếp tục là một ẩn số. Tiếp theo việc ai lên nắm chức vụ Tổng thống và chính sách đối đầu với Trung Quốc đang được Trump dẫn dắt sẽ như thế nào?
Đặc biệt, ông Trump luôn tỏ rõ quan điểm về việc muốn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để lãi suất điều hành thấp, thậm chí lãi suất âm để kích thích kinh tế. Lãi suất thấp sẽ khiến giá của USD giảm và giá vàng tăng lên.
"Những yếu tố địa chính trị đó là khó lường, dẫn đến không dễ dàng xác định được rủi ro nên mọi người đặt cược vào sự mạo hiểm", vị chuyên gia này nói.
Kịch bản trung hạn
Nhận định ngắn hạn, ông Trần Thanh Hải cho rằng, trong tháng 9 này, vàng khó có đà tăng giá mà chủ yếu đi ngang, hoặc nếu có là điều chỉnh giảm, trừ trường hợp xảy ra những cuộc xung đột về địa - chính trị như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hay các vấn đề chính trị song phương như Mỹ - Iran, Mỹ - Triều…
Nhưng đó là điều theo ông Hải rất khó xảy ra việc ông Trump sẽ "dính" vào những cuộc xung đột quân sự lớn ngay tại thời điểm nhạy cảm này.
"Còn sau đó, rất khó để nhận định vì chưa biết được kết quả ngày 3/11 sẽ như thế nào? Nếu giả sử sau ngày 3/11 ông Trump tiếp tục là Tổng thống Mỹ đi chăng nữa, diễn biến giá vàng cũng sẽ hết sức kịch tính, cực cao hoặc có thể cực thấp. Đây là kịch bản khó đoán. Nhưng đối với dân kinh doanh vàng nếu ông Trump thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, vàng sẽ có hội tạo sóng hơn và thậm chí sóng vàng có thể sẽ nhiều hơn trong 4 năm tới", ông Hải nói.
Quay trở lại với giao dịch trong nước, ghi nhận ngay trong giới truyền thông, bản tin giá vàng vẫn đang là bản tin thu hút được nhiều bạn đọc. Đây là tín hiệu cho thấy mối quan tâm tới mặt hàng kim loại quý này đang ở mức cao. Câu hỏi ở bất kỳ thời điểm nào khi vàng có giá biến động tăng giảm hàng trăm nghìn đồng/lượng mỗi ngày đó là nên mua hay bán?
Theo lãnh đạo một công ty kinh doanh vàng, quan sát của ông trong những đợt sóng vàng vào đầu tháng 8 vừa qua cũng như những đợt sóng tăng nhẹ đầu tháng 9 này cho thấy, những người đầu tư kinh doanh vàng "nên là" những người có hiểu biết, có thông tin, có thời gian và có công cụ chốt lời hữu hiệu cho việc "chơi" vàng.
Ông cho biết, một số khách hàng mua vàng do vốn ngắn hạn đã phải "chốt lỗ" cuối tháng 8 vừa qua do tham gia "lướt sóng", mua vào lúc giá vàng nóng nhất.
Theo vị lãnh đạo này, do vàng giao dịch qua sàn hiện không còn tồn tại như trước, nên các nhà đầu tư cá nhân sẽ không có công cụ để cân bằng trạng thái. Chẳng hạn, mua bán hợp đồng kỳ hạn (forward), mà giao dịch vàng vật chất là giao dịch giao ngay nên có thể lãi cao, nhưng cũng có thể lỗ rất lớn.
Ông Đào Trung Kiên, Giám đốc Khối Chiến lược CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) khuyến nghị: "Trừ trường hợp nhà đầu tư có tiền là của cá nhân, không vay nợ cá nhân hay tổ chức nào và coi vàng là một kênh trú ẩn tài sản có tính chất trung và dài hạn, đa dạng hóa danh mục đầu tư thì hãy nên 'chơi' vàng. Còn nhà đầu tư cá nhân định lướt sóng thì tôi cho rằng không nên tham gia vào thị trường vàng vì sự 'hên xui', bởi tính toán của tôi cho thấy giai đoạn hiện nay rất nguy hiểm, phần lớn là thua với tỷ lệ 80%. Tình hình vẫn không rõ ràng nên xác suất những biến động xảy ra vẫn còn cao".