Từ cò trên mạng...
“Trước giờ tôi có đăng số điện thoại lên mạng làm gì đâu. Nay vì muốn bán căn nhà nên nghe lời các dịch vụ địa ốc trên mạng nên đăng thông tin. Giờ phải đổi số điện thoại vì bị làm phiền quá mức”.
Chị Trang cho biết trước đó do có nhu cầu cần bán căn nhà nên đã treo bảng trước nhà. Tuy nhiên, cả tháng treo bảng vẫn không có người hỏi mua, ngoại trừ hàng xóm dòm ngó. Thấy vậy, chồng chị đã đến một phụ san của một tờ báo chuyên về đăng tin quảng cáo, rao vặt để đưa thông tin bán nhà. Sau khi thông tin đưa lên mạng, hàng loạt cuộc gọi đã đến với chị Trang nhưng tuyệt nhiên không có một người nào hỏi mua thật sự.
Theo chị, gần như sáng nào cũng có các nhân viên tự xưng là ở công ty môi giới này, sàn giao dịch kia xin thông tin để đăng lại trên website của họ. Tuy nhiên, nếu đồng ý đưa thông tin, chị Trang phải làm hợp đồng và nhân viên bên các công ty kia xuống để chụp hình đưa lên internet. Giá dịch vụ này dao động từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng, tuỳ trang web. “Tôi đề nghị rằng, nếu họ là công ty môi giới thì cứ dẫn khách đến và tôi chi hoa hồng sau khi bán được nhà, họ không chịu nhưng hết người này đến người khác, hết sàn này đến sàn kia muốn được làm môi giới trên mạng”, chị Trang nói.
Ngoài việc bị các trang giao dịch nhà đất làm phiền thì ông Từ Quốc Bảo (Âu Dương Lân, quận 8) bắt đầu gặp rất nhiều phiền toái từ các dịch vụ môi giới bảo hiểm, vay tín chấp, mời gia nhập câu lạc bộ VIP khách sạn... kể từ khi số điện thoại của ông được đưa lên internet. Ông Bảo nói: “Trước giờ tôi có đăng số điện thoại lên mạng làm gì đâu. Nay vì muốn bán căn nhà nên nghe lời các dịch vụ địa ốc trên mạng nên đăng thông tin. Giờ phải đổi số điện thoại vì bị làm phiền quá mức”.
Đến “cò đề, cò ăn nhậu”
Ảnh: TL
Trường hợp của chị N.T.M.T. ở quận 11 thì lại gặp dạng “cò” khác. Sau khi đăng thông tin bán khu đất ở Long An, suốt hai tháng liền chị phải chấp nhận “sống chung với cò” qua điện thoại. Đến khi có người tỏ thái độ muốn mua thật thì hoá ra đây lại là... “cò số đề”! Theo lời chị T., có một người đàn ông cho biết đã gần 60 tuổi ở Tiền Giang, đang làm trong công ty Xổ số kiến thiết, muốn mua miếng đất của chị để dưỡng già. Nghe giọng người đàn ông nói chuyện có vẻ thân tình, hứa hẹn một cuộc mua bán thuận lợi. Chị T. khấp khởi chờ đến sáng mai dẫn ông đi coi đất. Sáng hôm sau, người này gọi lại báo bận việc cơ quan đột xuất nên hẹn lại chị vào ngày khác. Cứ gọi rồi hẹn, hẹn rồi thất hẹn cho đến một ngày người đàn ông này nói có vụ áp phe vé số, muốn bán số cho chị T. đánh đề. Chỉ cần bỏ ra vài triệu cho ông ta đánh đề, nếu trúng ông ta sẽ mua đất của chị T.!
Ông Hữu Thái (ngụ tại Phan Huy Ích, Gò Vấp) thì gặp phải chuyện mà theo ông dù có nghi ngờ nhưng vẫn dính. Khi rao bán căn nhà khác của mình, ông cũng đã tiếp nhiều cuộc điện thoại hỏi thông tin. Tuy nhiên, có trường hợp có người giới thiệu tên tuổi, danh thiếp đàng hoàng khi gặp và tự xưng đã bán rất nhiều căn nhà vì ông này có nhiều mối quan hệ thuộc dạng... đại gia. Ông Thái kể rằng, người môi giới này đã không làm phiền gì ông cho đến khoảng một tuần sau khi gặp lần đầu, người này gọi ông ra quán ăn trưa rồi dẫn khách vào xem nhà, ông đồng ý. Ra đến quán, ông thấy người môi giới đang ngồi với một cặp nam nữ khác trông có dáng sang trọng cùng đồ ăn, bia bọt trên bàn. Khi gặp nhau, hai người này nói có nhã ý muốn mua nhà và ăn uống xong sẽ vào xem để đặt cọc luôn. Thế nhưng, sau khi ăn uống xong, cặp nam nữ này nói ông Thái ngồi tại quán cùng người môi giới chờ để họ đi rút tiền. Quả là câu chuyện “tào lao”! Và, người môi giới đứng dậy với lý do ra xe lấy đồ cá nhân rồi... không quay trở lại. Chờ hoài không thấy tay môi giới quay lại, điện thoại thì ò í e, tất nhiên, hoá đơn của buổi ăn uống đó ông Thái phải trả với số tiền hơn 5 triệu đồng. “Không ngờ có nhiêu đó tiền mà họ cũng lừa được mình”, ông Thái vẫn còn cay cú khi nhớ đến chuyện này.