Chưa bao giờ các cụm từ “rau sạch”, “thực phẩm an toàn”, “đặc sản nhà quê” lại trở nên nóng sốt và được xã hội quan tâm như hiện nay. Người ta khuyến khích nhau tự trồng rau trên những ô cửa, hiên nhà, tầng thượng; động viên nhau tăng gia sản xuất hoặc tự chế biến thức ăn cho gia đình. Vì sao?
Có thể nói người tiêu dùng đã mất niềm tin. Tin sao được khi người trồng rau thì luôn có phân định rõ ràng khu vực trồng bán và trồng ăn; câu chuyện về hai luống rau của người nông dân đã trở nên quá quen thuộc. Thậm chí, có nhà kia sau khi mang nông sản đi bán không hết, phần còn dư mang về đã đào lỗ chôn chứ không dám cho gia đình mình ăn vì hơn ai hết họ biết nó đã bị ướp thuốc quá nhiều.
Ai có trải qua công việc trồng trọt và chăn nuôi thì sẽ hiểu phần nào lý do nông dân sử dụng thuốc vô tội vạ.
Đối với cỏ dại thay vì phạt cỏ, dãy cỏ mất nhiều thời gian và cực chân tay người ta nghĩ đến phương án xịt thuốc diệt cỏ cho nhanh; người ta dùng thuốc vô tư như một việc hiển nhiên “có sản phẩm tân tiến, tiện lợi sao không dùng”. Khi cây đơm hoa kết trái sẽ có rất nhiều mối nguy hại từ thiên nhiên như côn trùng chích làm hư hại quả, rồi nào là sâu rầy bệnh tật bám lá, bám thân...
Người trồng trọt với số lượng nhiều không nghĩ đến chuyện phải xử lý thủ công (ví dụ bọc nylon từng trái khổ qua để chống ong chích chẳng hạn); cũng không đủ kiên nhẫn để giã ớt tỏi xịt chống sâu rầy nên phun thuốc là xong; việc dùng phân bón hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng sẽ giúp thời gian thu hoạch và quay vòng rất nhanh.
Rõ ràng với giá bán nông sản rẻ mạt như hiện nay người nông dân luôn thấy nuôi trồng theo phương pháp tự nhiên, áp dụng khoa học (đợi rau quả nhả thuốc sau khi phun một thời gian mới thu hoạch) thì lỗ lã thất bát, mấy ai chịu chọn đường khó mà đi? Nông dân nuôi trồng nhỏ lẻ đã vậy, với những cơ sở sản xuất kinh doanh thì càng phải tính bài toán hiệu quả cao hơn do vậy các loại hóa chất, thuốc kích thích tăng trưởng càng được sử dụng triệt để.
Không chỉ rau quả mà các loại thực phẩm như thịt cá, hải sản hay thực phẩm sơ chế, chế biến sẵn cũng vậy.Người sản xuất vì biết độc hại nên họ chọn cách đối phó là nghiêm cấm con cái sử dụng thực phẩm do họ làm ra.
Cả xã hội quay vòng chuốc hại lẫn nhau cứ khuất mắt là ăn.
Nhiều người nói vui ăn cũng chết không ăn cũng chết, thôi thì cứ ăn chết chậm còn hơn là chết đói. Gần đây, đã có những thống kê cho thấy số người chết vì bệnh tật và ung thư cao hơn nhiều so với tai nạn giao thông hoặc chiến tranh.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 110.000 ca mắc ung thư mới và tỷ lệ tử vong chiếm gần 75% so với tỷ lệ tử vong trung bình của thế giới chỉ là 60% và là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư cao nhất thế giới. Trong đó, chế độ ăn uống (chất lượng an toàn thực phẩm) là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra vấn nạn ung thư, các căn bệnh lạ, vô sinh và quái thai...
Những sản phẩm thiết yếu nuôi sống con người vốn rất lành tính và thuần khiết từ bao giờ đã thành chất độc ngấm dần trong cơ thể mỗi người, thế hệ con cháu chúng ta làm sao tránh khỏi? Câu thành ngữ “Ăn để sống” ngày nay xem ra có thể được hiểu thêm nhiều khía cạnh khác, ai cũng hiểu là phải tự cứu mình, phải chăng đó là lý do ngày càng có nhiều người yêu quý rau quả sạch, thực phẩm chế biến thủ công và các đặc sản nhà quê?