Sau gần một năm hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, thị trường đồ gỗ trong nước vẫn chưa bị tác động nhiều. Đồ gỗ nhập khẩu từ khu vực này cũng chưa tăng như nhiều người từng lo lắng. Theo nhận định từ Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp (DN) trong ngành nội thất yên tâm mở rộng thị trường trong nước, khẳng định tên tuổi của mình đối với người tiêu dùng cũng như bảo vệ thị trường nội địa trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Doanh nghiệp chăm sóc thị trường nội địa
Được biết năm 2009, tiêu thụ đồ gỗ nội địa tăng mạnh lên đến 2,9 tỉ USD. Tuy nhiên sau đó, do kinh tế khó khăn nên mức tiêu thụ giảm mạnh, còn 1,75 tỉ USD. Đến năm 2014, tăng lên 2 tỉ USD. Năm 2015, mức tiêu thụ trong nước không biến động nhiều. Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, mức tiêu thụ đồ gỗ năm nay sẽ tăng hơn 10% do tác động từ thị trường bất động sản khá sôi động.
Từ cuối năm ngoái, thuế suất các mặt hàng gỗ trong khu vực AFTA sẽ được điều chỉnh còn 0%, theo lý thuyết, sản phẩm gỗ từ các nước trong khu vực sẽ tràn sang Việt Nam, trong đó có cả ASEAN + 1 (có cả Trung Quốc tham gia sân chơi này với giá rẻ và đa dạng sản phẩm). Nhiều năm qua, Thái Lan đã âm thầm thu gom các hệ thống phân phối lớn tại Việt Nam để chi phối thị trường sau này. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho biết trong khu vực chỉ Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines có khả năng xuất khẩu sản phẩm gỗ vào Việt Nam. Trong đó Thái Lan và Malaysia đã có nhà máy sản xuất đồ gỗ tại Việt Nam nên không cần phải đưa hàng từ nước họ sang Việt Nam; còn Indonesia và Philippines không có khả năng cạnh tranh với hàng Việt Nam nên không đưa hàng sang.
Cũng theo ông Hạnh, cho đến thời điểm này, cũng chưa thấy có làn sóng hàng ngoại tràn sang Việt Nam như dự đoán trước đây. Điều này đã giúp DN trong nước tự tin hơn. Bằng chứng là một số DN đã bắt đầu thực hiện dự án cho thị trường nội địa như tìm kiếm các nhà thiết kế riêng cho thị trường trong nước, sản xuất những mẫu thử nghiệm, phát triển dòng sản phẩm cho thị trường trong nước; thuê showroom nội thất hoặc mua mặt bằng để xây dựng kênh phân phối...
Xuất khẩu chỉ tăng nhẹ
Trong khi đó, theo số liệu thống kê cũng như ước tính của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 10 tháng của năm khoảng 5,76 tỉ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, dự báo xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ cả năm 2016 sẽ đạt 7,2 tỉ USD, tăng 7,5% so năm trước. Theo giới kinh doanh, đây là mức tăng trưởng thấp so với mọi năm.
Được biết, những năm trước, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường có mức tăng 2 con số, có năm tăng trên 15%. Tuy nhiên năm nay, khả năng chỉ tăng nhẹ 7,5%. Nguyên nhân được Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM nhận định là do những năm trước, Trung Quốc nhập khẩu dăm gỗ của Việt Nam với số lượng lớn nhưng nay giảm mạnh. Năm nay chỉ có 2 thị trường đạt tăng trưởng tốt là Mỹ và Nhật Bản; còn thị trường châu Âu, Trung Quốc lại tăng trưởng âm.
Sở dĩ xuất khẩu không tăng mạnh là do nền kinh tế thế giới vẫn chưa thể phục hồi. Một số thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trước đây đang có xu hướng giảm. Thị trường châu Âu chưa có tăng trưởng do suy thoái kinh tế còn kéo dài chưa thể phục hồi được. Nhiều nhà máy sản xuất, chế biến gỗ tại Đức, Ý phải đóng cửa.
Theo thông tin từ Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, sắp tới Trung Quốc sẽ đóng cửa rừng thiên nhiên. Do đó họ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu gỗ trong thời gian tới. Đây là cơ hội để có thể tăng xuất khẩu cho các DN.
Năm 2014 và 2015, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu đồ gỗ chỉ khoảng 56 triệu USD. Tuy nhiên, 10 tháng của năm 2016, các DN nhập khẩu 1,44 tỉ USD gỗ, ván, đồ gỗ, tăng 18,9% so cùng kỳ năm ngoái, riêng đồ gỗ có giá trị nhập khẩu là 54 triệu USD.