Theo tính toán của FPTS, khu vực miền Nam sẽ là nơi lý tưởng nhất cả nước cho việc tiêu thụ bia nhờ đặc trưng khí hậu không có mùa lạnh. Cụ thể, chỉ tính riêng khu vực này đã chiếm gần 60% sản lượng bia tiêu thụ trên cả nước.
Khu vực các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế đóng góp 6% lượng tiêu thụ bia cả nước.
Theo thống kê của Kirin Holdings, Việt Nam đã tiêu thụ hơn 3,8 tỉ lít bia trong năm 2015, đứng thứ 11 thế giới về tổng lượng tiêu thụ. Trong giai đoạn 2009-2015, tổng lượng tiêu thụ và mức tiêu thụ bia bình quân đầu người tại Việt Nam đều tăng. Trong năm 2015, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ vào khoảng 41,1 lít bia/năm, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của thế giới (27 lít/người) và của châu Á (18 lít/người).
Trong khu vực châu Á, nếu xét về mức tiêu thụ bình quân đầu người, Việt Nam đang là nước tiêu thụ bia lớn thứ ba, chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên nếu xét theo vùng miền, thói quen uống bia cũng khác nhau trong nước.
Theo công ty chứng khoán FPTS, khu vực miền Bắc và 3 tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh chiếm khoảng 35% tổng lượng bia tiêu thụ trên cả nước. Khác với các khu vực khác, người dân miền Bắc lại có xu hướng ưa chuộng bia hơi, bia tươi. Người dân tại nơi này thường có thói quen ăn nhậu tại các quán bia hơi. Do vậy, bia hơi Hà Nội cũng nằm trong danh sách 10 loại bia được tiêu thụ nhiều nhất tại Việt Nam, chiếm 2,1% tổng sản lượng bia tiêu thụ năm 2015.
Chính vì vậy trong các năm gần đây, công ty bia Hà Nội Habeco đã chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất bia hơi để phục vụ thói quen tiêu dùng tại khu vực này. Bia hơi là sản phẩm mang tính địa phương, đòi hỏi chi phí marketing và chi phí bán hàng thấp. Cũng chính vì vậy mà hoạt động marketing đã không được Habeco tập trung đầu tư và đẩy mạnh, khiến cho mức độ nhận diện thương hiệu bia Hà Nội tại chính khu vực miền Bắc bị giảm sút, tạo cơ hội cho các loại bia khác như Saigon Special, Heineken, Tiger chiếm lĩnh thị phần.
Khu vực các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế đóng góp 6% lượng tiêu thụ bia cả nước. Tại khu vực này, bia Huda, thuộc sở hữu của hãng bia ngoại Carlsberg được sản xuất tại Nhà máy bia Huế, là loại bia được tiêu thụ nhiều nhất. Thương hiệu bia Huda cũng chính là thương hiệu mang lại thành công cho Carlsberg tại thị trường bia trong nước, trong khi các sản phẩm bia mang thương hiệu Carlsberg vẫn chưa tìm được chỗ đứng trong nhận thức tiêu dùng của người Việt.
FPTS nhận xét tình hình tiêu thụ bia tại cả hai khu vực trên đều có cùng chung đặc điểm là có tính mùa vụ, bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết. Do bia là loại thức uống giải khát, thường được tiêu thụ khi thời tiết nắng nóng, mùa thu, đông tại miền Bắc sẽ là khoảng thời gian tiêu thụ bia thấp nhất trong năm. Tương tự như vậy, do vị trí địa lý của khu vực miền Trung hay phải hứng chịu nhiều trận mưa bão lớn, lượng tiêu thụ bia vì thế cũng bị ảnh hưởng nhiều khi điều kiện thời tiết chuyển biến quá khắc nghiệt trong năm.
Như vậy, nếu xét về vị trí địa lý, khu vực miền Nam sẽ là nơi lý tưởng nhất cả nước cho việc tiêu thụ bia nhờ đặc trung khí hậu không có mùa lạnh. Cụ thể, chỉ tính riêng khu vực này đã chiếm gần 60% sản lượng bia tiêu thụ trên cả nước. Tính ra khu vực này tiêu thụ bia gần gấp đôi miền Bắc, gấp 10 lần miền Trung.
Cùng với đó là tập quán ăn uống bên ngoài thường xuyên hơn so với các vùng miền khác đã khiến cho miền Nam trở thành miền đất hấp dẫn. Các hãng bia cũng vì thế mà luôn chọn miền Nam, đặc biệt khu vực Đông Nam Bộ làm thị trường tiêu thụ đầu tiên khi mới gia nhập thị trường bia Việt Nam. Sapporo, ABInBev, Heineken, SanMiguel hay Masan đều xây dựng những nhà máy sản xuất bia đầu tiên tại khu vực miền Nam.
Tiềm năng thấy rõ của thị trường bia tại khu vực miền Nam đồng thời cũng khiến cho cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt. Các hãng bia nội và ngoại đều tập trung tranh giành thị phần trên cùng một khu vực thông qua xây dựng mới và mở rộng công suất nhà máy cũng như đầu tư mạnh cho các hoạt động marketing để tăng mức độ nhận diện thương hiệu.
Việt Nam vẫn là điểm sáng trên bản đồ của thị trường bia toàn cầu.