Nói thêm về chế độ dinh dưỡng trong những ngày này để ngăn ngừa dịch bệnh, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cho rằng, mỗi gia đình cần có kiến thức dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch.
Theo đó, các gia đình nên chế biến những bữa ăn cân đối, đủ chất dinh dưỡng đảm bảo 4 nhóm thực phẩm: chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu phụ, đậu đỗ); chất béo (trong dầu, mỡ), chất đường bột (cơm, bánh mì, bột mì, miến, ngô, khoai...) và nhóm rau xanh, quả chín. Bà cũng lưu ý thực đơn hằng ngày phải được thường xuyên thay đổi để có đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt chỉ nên ăn thực phẩm đã được nấu chín.
Tháp dinh dưỡng cho sức khỏe người Việt (Nguồn: Viện Dinh Dưỡng)
Ngoài ra, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cũng khuyến cáo trong giai đoạn này, mỗi người dân cần tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn nhiều hoa quả, bổ sung các đồ ăn, thức uống có chứa nhiều vitamin C, vitamin A...
"Việt Nam có nhiều gia vị như hành, tỏi, gừng, nghệ có nhiều kháng sinh thực vật và chất chống oxy hóa giúp nâng cao miễn dịch. Trà xanh đóng chai cũng là một trong những thức uống truyền thống của người Việt giúp bổ sung vitamin C, tăng cường sức đề kháng, đặc biệt hợp chất EGCG - là yếu tố chống oxy hóa có trong sản phẩm giúp nâng cao miễn dịch, giảm mệt mỏi căng thằng", PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cho biết.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách trên 2 mét khi tiếp xúc.
Người dân có các triệu chứng sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người đồng thời thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên.
Đặc biệt cần vệ sinh nhà cửa, tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Theo đó, thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.