Và chính từ môi trường này, trẻ sẽ có những bước phát triển lớn về trí tuệ và thể chất, để có một tương lai tươi sáng về sau.
Khởi điểm cho sự phát triển vượt trội
Lứa tuổi mầm non là giai đoạn vàng cho sự phát triển trí não của trẻ nên trong giai đoạn này sự phân hóa được thể hiện rõ rệt trong việc phát triển tính cách, thẩm mỹ, cảm xúc, thiên hướng... Trong 6 năm đầu đời này, não của trẻ đạt mức trưởng thành ở nhiều vùng khác nhau như vùng vỏ não thính giác, thị giác, vùng hiểu ngôn ngữ, vùng nói để chuẩn bị cho cả một quá trình học tập và phát triển tương lai khi bước vào lớp 1. Do vậy, để chăm sóc, giáo dục trẻ hiệu quả, các bậc cha mẹ, đặc biệt là cô nuôi dạy trẻ, cần phải nắm bắt những quy luật phát triển của trẻ ở giai đoạn này.
Chẳng hạn như bước vào 2 tuổi, ngôn ngữ của bé phát triển rất nhanh, vốn từ có được tăng gấp 3 lần so với khi bé dưới 24 tháng, cách sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt ý muốn trở nên thành thạo hơn nên khi chơi đùa, mẹ nên khuyến khích bé nói về các sự kiện đang xảy ra hay nói về cảm xúc của bé hay người khác. Lên 3 tuổi, bé đã hiểu biết thêm nhiều về cơ thể mình và thế giới xung quanh. Giai đoạn này trí tưởng tượng của bé bắt đầu phát triển, bé bắt đầu biết chơi các trò chơi “sắm vai” hoàng tử, công chúa, siêu nhân…, biết đặt cảm xúc của mình vào trò chơi và nhân vật. Thời gian này bố mẹ có thể tham gia sắm vai cùng bé hay đọc truyện cho bé nghe để giúp bé phát triển thế giới nội tâm và kích thích trí tưởng tượng phong phú. Đến giai đoạn 4-5 tuổi, trí nhớ của bé sẽ phát triển hơn, giúp bé có thể kể lại những câu chuyện và ghi nhớ những khái niệm tốt hơn. Đây cũng là những dấu hiệu cho thấy bé sắp sẵn sàng cho việc đến trường. Bé cũng bắt đầu vận động nhiều hơn… Bố mẹ nên khuyến khích bé tham gia các hoạt động cùng bạn bè để giúp bé phát triển kỹ năng vận động và cảm thấy tự tin hơn.
Vun đắp đúng cách để phát triển tối ưu
Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ phát triển về tư duy, thể chất, tình cảm, cách giao tiếp; hình thành những yếu tố đầu tiên của trí tuệ, nhân cách, thẩm mỹ, kỹ năng sống… về sau. Trong quá trình “sát cánh” cùng trẻ, các cô giáo cũng sẽ áp dụng nhiều phương pháp để khơi dậy và phát triển tối đa tiềm năng của trẻ, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời. Vậy nên, đội ngũ nhà trường luôn phải chung tay nỗ lực để xây dựng những hoạt động tương tác thông minh phù hợp nhằm kích thích sự phát triển của trẻ trong giai đoạn này.
Ngoài ra, dinh dưỡng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của trẻ ở giai đoạn mầm non. “Một chiếc xe có động cơ tốt thì cũng phải có nhiên liệu tốt mới có thể hoạt động trơn tru. Nếu động cơ tốt là giáo dục tương tác thông minh thì nhiên liệu chính là chế độ dinh dưỡng của trẻ” - Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Sài Gòn, chia sẻ.
“Trường mầm non là môi trường quan trọng để trẻ phát triển toàn diện về trí não và thể chất trong những năm tháng đầu đời. Chúng tôi rất sẵn sàng và tự hào khi trở thành một mắt xích của vòng liên kết “Chung tay nuôi dưỡng thế hệ A+” để cùng vun đắp nên một thế hệ Việt Nam “hơn cha” mai sau cho đất nước” - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Sài Gòn bộc bạch.