Tuy nhiên, thực tế cho thấy số vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực này vẫn có xu hướng tăng cao.
Dịch vụ cho vay tiêu dùng phải đăng ký hợp đồng theo mẫu
Theo phân tích của Phòng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục QLCT): Tâm lý của người đi vay thường chỉ chú trọng vào việc được vay nên thường bỏ qua hoặc không lưu ý tới các điều khoản, điều kiện của hợp đồng, chỉ đến khi xảy ra tranh chấp và được cung cấp các hợp đồng đã ký kết, thì người vay mới nhận thức được các yếu tố ràng buộc nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Khi đó, rất khó có thể bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng vì hợp đồng đã được ký kết, hiệu lực thi hành đã được áp dụng.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, dịch vụ cho vay tiêu dùng thuộc danh mục dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại các cơ quan quản lý Nhà nước. Vì vậy, khi lựa chọn bất kỳ đơn vị nào cung cấp dịch vụ, người tiêu dùng có quyền yêu cầu công ty thông báo về việc đã hoàn thành nghĩa vụ đăng ký tại cơ quan thẩm quyền hay chưa? Người tiêu dùng có thể kiểm tra hành vi này thông qua Tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng (Cục QLCT) qua số điện thoại 1800.6838.
Ảnh minh hoạ
Những lưu ý trước khi ký hợp đồng
Chuyên gia Cục QLCT lưu ý: Trước khi ký hợp đồng vay tiền, trách nhiệm của người tiêu dùng là phải làm rõ những nội dung trong hợp đồng nhằm bảo đảm đã hiểu rõ hợp đồng, tránh các trường hợp nhầm lẫn, bị tư vấn thông tin chưa đầy đủ, chính xác. Một khi người tiêu dùng đã ký hợp đồng thì các điều khoản, điều kiện quy định tại hợp đồng sẽ có giá trị ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng. Cụ thể, cần phải ghi rõ trong hợp đồng về các mục sau:
Lãi suất vay: Nhiều người tiêu dùng sau khi ký hợp đồng mới phát hiện mức lãi suất thực tế trên hợp đồng rất cao. Vì vậy, cần đề nghị ghi rõ mức lãi suất trên hợp đồng trước khi ký.
Các khoản phí: Ngoài mức lãi suất phải trả hàng tháng, một số hợp đồng có thể phát sinh các khoản phí, chi phí khác. Để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng cần đề nghị nhân viên nêu rõ những khoản phí có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Lãi phạt: Mức phạt trong các hợp đồng tín dụng tiêu dùng thường rất cao và chặt chẽ. Vì vậy, người tiêu dùng nên đề nghị bên cho vay ghi rõ nội dung quy định về lãi phạt, cách thức tính lãi phạt, hình thức thông báo cho người tiêu dùng khi bị phạt.
Thời hạn trả nợ và phương thức trả nợ: Cần ghi rõ trong hợp đồng thời gian phải trả nợ định kỳ. Lưu ý một số vấn đề như nếu ngày trả nợ trùng với ngày nghỉ lễ, thứ Bảy, Chủ nhật thì hợp đồng sẽ quy định như thế nào? Cách thức chuyển khoản qua ngân hàng để thanh toán.
Thanh lý hợp đồng hoặc hủy hợp đồng: Có nhiều người tiêu dùng sau khi thực hiện hợp đồng một thời gian thì có nhu cầu thanh lý sớm, hoặc khi phát hiện những sai phạm của đơn vị cho vay nên muốn hủy hợp đồng. Vì vậy, các điều khoản thanh lý hoặc hủy hợp đồng cần phải được ghi rõ để tránh tranh chấp, và điều này sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để người tiêu dùng quyết định ký hợp đồng vay tiền với công ty cho vay.
Sau khi ký hợp đồng
Sau khi ký hợp đồng, người tiêu dùng cần thực hiện ngay các nội dung sau:
+ Kiểm tra một lần nữa nội dung của hợp đồng. Nếu có gì sai khác, thông báo ngay cho công ty và thực hiện hủy hợp đồng (nếu cần thiết). Lưu giữ hợp đồng để làm căn cứ đối chiếu, so sánh trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
+ Tóm tắt và lưu giữ một số thông tin cơ bản như số tiền trả nợ hàng tháng, phương thức trả nợ và thời hạn trả nợ để có thể theo dõi và thực hiện đúng định kỳ.
+ Khi có phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng có quyền yêu cầu công ty giải quyết tranh chấp khiếu nại tại Phòng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục QLCT, Bộ Công thương.