Sự phát triển của Vinamilk đến hôm nay vẫn còn làm nhiều người bất ngờ, trong đó có cả những ý kiến cho rằng thành công bởi vì là công ty của nhà nước. Nhưng thực tế thì Vinamilk được như hôm nay là do đã thấu hiểu khách hàng, đi lên từ nội lực và sáng tạo. Muốn vươn đi thật xa, thực tiễn là phải trở thành chuyên gia của lĩnh vực đó ở tầm quốc tế. Muốn vậy, kiến thức rất quan trọng. Lúc đó mới quyết định việc gì nên làm, làm vào thời điểm nào.
Năm 1976, Vinamilk chỉ có 2 nhà máy sản xuất sữa đặc với công nghệ lạc lậu cùng doanh số rất nhỏ. Tính từ lúc Vinamilk cổ phần hóa vào năm 2003, mức vốn hóa chỉ khoảng 2.300 tỉ đồng thì đến năm 2016, giá trị vốn hóa thị trường của Vinamilk (theo số liệu ngày 15-8-2016) khoảng 205.000 tỉ đồng, tăng 88 lần so với năm 2003 và là công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Trong đó, vốn nhà nước ngay sau khi cổ phần hóa năm 2003 là 80%, tương đương 1.840 tỉ đồng, đến năm 2016 nhà nước đang nắm giữ 44,73%, khoảng 91.500 tỉ đồng, cộng với số tiền nhà nước thu về khi bán bớt cổ phần và cổ tức đã nhận từ năm 2004 đến nay là 14.000 tỉ đồng, như vậy hiện nay, công ty đã làm tăng giá trị phần vốn nhà nước tại Vinamilk lên đến 57 lần so với năm 2003.
Dự kiến đến năm 2018, hơn 8.000 hộ dân đang hợp tác với Vinamilk sẽ có đàn bò có chất lượng tốt nhất, từ hỗ trợ kỹ thuật nuôi cho đến cung cấp con giống. Lúc này loại bỏ việc phát triển đàn tự phát có năng suất thấp ở các nông hộ lâu nay. Xây dựng kế hoạch chủ động nguồn cung nguyên liệu bằng cách đầu tư vào nhà máy ở New Zealand. Hay đầu tư xây dựng mới các nhà máy chế biến sữa với quy mô rất lớn, sử dụng công nghệ hiện đại để giảm được giá thành về mức hợp lý nhất.
Vinamilk là thương hiệu quốc gia, trong đó 49% là của nước ngoài, 6% là của các tổ chức, nhà đầu tư cá nhân trong nước nắm giữ, 45% do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý. Trong tỉ lệ nước ngoài đang nắm giữ cổ phiếu của Vinamilk thì không có ai có đủ tỉ lệ nắm quyền chi phối mà chủ yếu thuộc về các quỹ đầu tư. Còn với tỉ lệ mà SCIC đang nắm giữ thì lại thuộc quyền của nhà nước. Khi nào nhà nước thoái vốn, thoái cho ai, như thế nào để nhà nước đạt được mức thu ngân sách lớn nhất, nhưng vẫn bảo đảm sự phát triển sau này của Vinamilk thì trách nhiệm thuộc về SCIC. Cốt lõi xuyên suốt cho việc phát triển của Vinamilk là phải giữ được thị phần và phát triển được thị phần ở tất cả các ngành hàng Vinamilk đã tham gia thị trường.