HTX chăn nuôi ở ĐBSCL không nhiều. Thực tế hoạt động của các HTX chăn nuôi như: Evergrowth (Sóc Trăng), Long Hòa (Cần Thơ), Gò Công và Bình Minh (Tiền Giang) cho thấy chất lượng hoạt động của các HTX ngày càng được nâng cao. Sóc Trăng là địa phương có nhiều HTX và tổ hợp tác hoạt động rất hiệu quả. Toàn tỉnh có 4 HTX chăn nuôi bò sữa, heo và 87 tổ hợp tác chăn nuôi bò, heo, gà, ong mật kết hợp trồng lúa.
Doanh nghiệp gắn kết cùng nông dân
Tuy vậy, phần lớn các HTX và tổ hợp tác còn thiếu cơ sở vật chất và vốn, quy mô sản xuất nhỏ, tổ chức quản lý và hoạt động còn thiếu chiến lược, kế hoạch sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ nên tính hiệu quả chưa thật sự cao, khả năng cạnh tranh thấp, không bảo đảm tính ổn định, bền vững.
Liên kết chăn nuôi - tiêu thụ là hình thức liên kết đơn giản và phổ biến. Một số mô hình liên kết hiệu quả cao như mô hình liên kết giữa Công ty San Hà - HTX Gò Công (tiêu thụ 1.500 con gà/ngày), liên kết giữa Công ty Ba Huân và các trại chăn nuôi gia cầm, cơ sở chăn nuôi gà tre Hương Việt ở Chợ Gạo (Tiền Giang), liên kết giữa các trại vịt ở Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu với các doanh nghiệp xuất khẩu trứng vịt muối (DNTN Vĩnh Nghiệp - Vĩnh Long, Công ty TNHH Nguyễn Phan và Xí nghiệp Chế biến thực phẩm Meko - Cần Thơ).
Thực hiện dự án Lifsap, tỉnh Long An đã liên kết các hộ chăn nuôi theo quy trình GAHP, các cơ sở giết mổ và các chợ. Sản phẩm sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Các chuỗi liên kết theo hướng này tạo sự khác biệt của sản phẩm chăn nuôi GAHP đối với các sản phẩm thông thường khác. Người tiêu dùng dễ nhận biết và lựa chọn các sản phẩm mong muốn, thông qua hình thức tuyên truyền đối với sản phẩm an toàn góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Giá cả sản phẩm cũng có sự khác biệt đối với các sản phẩm thông thường nên góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Cần Thơ đang thực hiện liên kết chuỗi heo thịt từ các trang trại đến cơ sở giết mổ, chế biến. Chẳng hạn, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ nuôi heo thịt bán cho Xí nghiệp Chế biến Thực phẩm I. Tuy nhiên, liên kết này còn mang tính thời vụ, mua bán theo hợp đồng từng thời điểm.
Liên kết giúp hạ giá thành
Liên kết sản xuất con giống bố mẹ giữa doanh nghiệp và trại chăn nuôi thương phẩm phù hợp với các địa phương không có điều kiện đầu tư cơ sở giống cấp ông bà. Hiện mô hình phát triển khá tốt trên vịt tại Long An, Tiền Giang, An Giang và trên heo ở Tiền Giang. Mô hình này có lợi thế là vùng ĐBSCL có hệ thống sản xuất giống vịt chuyên thịt, chuyên trứng và kiêm dụng tốt, chất lượng giống phù hợp với điều kiện chăn nuôi của vùng và đáp ứng cơ bản thị hiếu, nhu cầu của người chăn nuôi. Nhu cầu con giống trong toàn vùng rất cao, cung không đủ cầu, là thị trường tiêu thụ giống tốt. Liên kết theo chuỗi giống này phát huy được ưu thế lai, hạ giá thành chăn nuôi 7%-10%. Để liên kết này phát triển hiệu quả thì các cơ sở giống cần phát triển mạnh hệ thống vệ tinh, các trại thành viên được chứng nhận chất lượng giống.
Liên kết chăn nuôi giữa đơn vị chăn nuôi và nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi (TACN). Hiện ĐBSCL có 36 nhà máy sản xuất TACN, sản xuất 2,1 triệu tấn/năm (chiếm 14,8% sản lượng TACN cả nước), đạt 49,8% công suất thiết kế. Do đó, tiềm năng phát triển TACN công nghiệp trong vùng là rất lớn. Hiện mô hình liên kết này rất phổ biến trong sản xuất chăn nuôi cả nước. Các trang trại chăn nuôi lớn mua trực tiếp TACN từ nhà máy, được nhà máy TACN cử cán bộ kỹ thuật tư vấn và hưởng chế độ chiết khấu ưu đãi tương tự như đại lý phân phối. Liên kết này giúp trang trại chăn nuôi hạ giá thành sản phẩm 7%-10% do không phải thông qua đại lý phân phối TACN trung gian.
Loại hình liên kết sản xuất theo chuỗi chăn nuôi - giết mổ - bán buôn được triển khai tại Long An. Trại chăn nuôi liên kết với cơ sở giết mổ và hộ bán buôn để tiêu dùng sản phẩm thịt heo với quy mô 1.000 con heo thịt/năm.
Với hình thức liên kết chăn nuôi, các doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và nhận tiền công theo hợp đồng ký kết. Các doanh nghiệp đang tham gia vào chuỗi liên kết chăn nuôi gia công như Công ty Japfa, Công ty Emivest. Hình thức này được triển khai phổ biến ở Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh. Mô hình này góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi tại các địa phương.
Liên kết khép kín chuỗi giá trị từ sản xuất TACN - con giống - trại chăn nuôi - chế biến. Đây là liên kết hiệu quả nhất, giúp nâng cao giá trị gia tăng, truy xuất được nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm. Liên kết này đang được Công ty TNHH Chăn nuôi CP Việt Nam áp dụng rất thành công. Nhiều doanh nghiệp FDI khác đang dần phát triển đầu tư khâu giết mổ, chế biến nhằm hoàn thiện chuỗi khép kín này.