Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm ở Việt Nam - những thách thức và cơ hội do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức ngày 27-3.
Ảnh minh hoạ
Khoảng 30-40% thực phẩm có nguy cơ nhiễm vi sinh vật
Nghiên cứu của WB được thực hiện từ tháng 8-2016 đến tháng 2-2017, tập trung vào chuỗi cung ứng thịt lợn và rau ăn lá để nhận diện các nguy cơ an toàn thực phẩm (ATTP) tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy khung pháp lý liên quan đến ATTP ở Việt Nam đã có nhiều cải tiến nhưng quá trình triển khai còn hạn chế, ATTP đang là mối quan tâm lớn đối với công chúng với mức độ lo ngại ngày càng tăng mỗi khi xảy ra vấn đề ATTP.
Theo báo cáo, khoảng 80% thịt lợn và 85% rau ở 2 địa phương hiện được bày bán tại các chợ bán lẻ truyền thống và những người sản xuất nhỏ chiếm ưu thế trong chuỗi giá trị này. Nhưng theo nghiên cứu, 76% lợn được giết mổ trong các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ với điều kiện vệ sinh kém. Báo cáo của WB cũng chỉ rõ hiện có bằng chứng khoa học cho thấy ô nhiễm thực phẩm ở Việt Nam còn tương đối phổ biến. Nguy cơ nhiễm vi sinh vật như salmonella trong thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng vẫn còn tương đối cao (tương ứng khoảng 30-40%).
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại kháng sinh tràn lan trên diện rộng cũng tăng nguy cơ để lại tồn dư trong thực phẩm. Ngoài ra, theo WB, một số chất kích thích tăng trưởng, chất cấm trong chăn nuôi cũng được sử dụng làm chất tạo nạc vẫn tương đối phổ biến, chưa kể đến việc nhiễm bẩn kim loại nặng và các chất hữu cơ bền vững trong môi trường. Theo báo cáo, trong 2 năm (2014-2015), cả nước ghi nhận 370 vụ ngộ độc thực phẩm, 66 ca tử vong nhưng con số thực sự được cho là có thể cao hơn.
Thông tin tại Hội thảo, ông Nguyễn Việt Hùng - Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế tại Việt Nam - cũng cho biết, do lo ngại về ATTP nên nhiều người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận trả giá cao hơn 5-10% để mua được thực phẩm an toàn nhưng thực tế thì thực phẩm sạch và thực phẩm không an toàn tại Việt Nam hiện rất khó phân biệt.
Xây dựng hệ thống kiểm soát dựa trên nguy cơ
Báo cáo của WB cho biết, từ năm 2010, Việt Nam đã hiện đại hoá khung pháp lý và cấu trúc hệ thống quản lý liên quan tới ATTP. Chính phủ đã giảm số bộ chịu trách nhiệm quản lý ATTP từ 6 bộ liên quan xuống còn 3 bộ và định hướng lại năng lực kiểm soát ATTP đối với thực phẩm xuất khẩu sang phát triển hệ thống quản lý bao gồm cả chuỗi cung cấp thực phẩm trong nước.
Tuy nhiên, khía cạnh thực thi vẫn còn một số vấn đề dẫn tới tình hình ATTP mới chỉ cải thiện không đáng kể và chưa đảm bảo toàn diện để giải quyết vấn đề. “Hệ thống giám sát hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào các sự kiện, ví dụ thống kê các vụ ngộ độc. Cả nước hiện có khoảng 5.000 cán bộ thanh tra ATTP nhưng chưa có một hệ thống giám sát ATTP đầy đủ và toàn diện…” - báo cáo cho hay.
Từ thực trạng nói trên, WB khuyến nghị Việt Nam xây dựng một hệ thống kiểm soát dựa trên nguy cơ, áp dụng các nguyên tắc đánh giá nguy cơ, quản lý nguy cơ và truyền thông nguy cơ đã được WHO/FAO xây dựng thông qua các biện pháp như tăng cường hệ thống theo dõi và giám sát ATTP quốc gia; đề xuất phương án tiếp cận theo mô hình “từ trang trại tới bàn ăn” đối với công tác ATTP…