Báo cáo từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy xuất khẩu gạo tháng 4 đạt 453.275 tấn, trị giá FOB 211,925 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 467,54 USD/tấn. So với tháng 3, số lượng giảm 20,49%, trị giá FOB giảm 7,49%, giá bình quân tăng 65,67 USD/tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng giảm 30,29%, trị giá FOB giảm 21,33%, giá bình quân tăng 53,21 USD/tấn. Lũy kế xuất khẩu 4 tháng đầu năm với số lượng 1,880 triệu tấn, trị giá FOB 788,768 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2015, số lượng tăng 20,89%, trị giá FOB tăng 21,11%, giá bình quân giảm 0,74 USD/tấn.
Lúa chất lượng cao được giá
Giá gạo trắng giao dịch trên thị trường ổn định vào đầu tháng 4 ở mức 375-380 USD/tấn loại 5% tấm và cao hơn các nguồn cung cấp chính ở châu Á nhưng giá giảm nhẹ vào cuối tháng 4 và ở mức 370-373 USD/tấn loại 5% tấm, thấp hơn Thái Lan và Pakistan nhưng vẫn cao hơn Ấn Độ do nhu cầu yếu mặc dù nguồn cung hạn chế sau khi kết thúc thu hoạch vụ đông xuân. Giá giao dịch gạo thơm Jasmine ổn định trong tháng 4 khoảng 470-475 USD/tấn nhưng tăng mạnh vào cuối tháng, đến nay ở mức khoảng 485 USD/tấn do nhu cầu tiếp tục ổn định trong khi nguồn cung chủ yếu từ vụ đông xuân không còn nhiều. Xuất khẩu tháng 4 không đạt kế hoạch đề ra là 550.000 tấn, thấp hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước do không còn hợp đồng tập trung.
Giá lúa gạo trong nước hồi tháng 4 tương đối ổn định mặc dù cung cấp hạn chế sau khi thu hoạch vụ đông xuân do nhu cầu yếu và giá chào xuất khẩu không cạnh tranh. Cuối tháng 3, giá lúa hạt dài tại ruộng từ 5.150-5.350 đồng/kg, lúa thường từ 4.850-4.950 đồng/kg. Giá lúa khô hạt dài tại doanh nghiệp từ 5.800-6.000 đồng/kg, lúa thường từ 5.400-5.600 đồng/kg. Cuối tháng 4, đầu tháng 5, giá lúa thường có xu hướng giảm nhẹ, trong đó lúa hạt dài lại tăng. Lúa hạt dài tại ruộng từ 5.175-5.350 đồng/kg, lúa thường từ 4.750-4.950 đồng/kg. Giá lúa khô hạt dài tại doanh nghiệp từ 5.850-6.050 đồng/kg, lúa thường từ 5.200-5.500 đồng/kg.
Xuất khẩu cũng cho thấy gạo thơm đứng đầu chiếm 26,18%, tăng 45,18%; gạo trắng trung bình chiếm 24,51%, tăng 44,10%; gạo trắng cao cấp 21,37%; gạo Japonica chiếm 0,88%, tăng 51,61%. Gạo thơm tăng mạnh và chiếm tỉ trọng lớn nhất do tăng sản lượng và tăng xuất khẩu vào châu Á và châu Phi. Riêng gạo Japonica cũng có sự tăng trưởng mạnh trên 51% mặc dù còn chiếm tỉ trọng nhỏ.
Xuất khẩu gạo tồn kho của Thái chỉ là thăm dò
Tồn kho cuối kỳ 2016-2017 của Thái Lan giảm gần 50%, còn trên 3 triệu tấn, mức thấp nhất từ năm 2007-2008; Ấn Độ dự báo ở mức 11 triệu tấn, giảm hơn 15% và thấp nhất từ năm 2005-2006; Trung Quốc tăng đáng kể do tăng nhập khẩu và sản lượng vượt mức tiêu dùng.
Tình hình thị trường gạo thế giới vẫn còn suy yếu, chưa có nhu cầu mới nhưng giá tăng ở một số nguồn cung cấp chính là Thái Lan, Pakistan và Việt Nam. Nguyên nhân chính là nguồn cung cấp ở các nước này hạn chế do sản lượng sút giảm xuất phát từ tác động của hiện tượng El Nino gây hạn hán ở Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Việt Nam trong vụ chính vừa qua và đang ảnh hưởng đến các vụ mùa sắp tới.
Các yếu tố chính chi phối thị trường gạo trong thời gian tới như Ấn Độ xuất khẩu gạo giảm đáng kể từ đầu năm do nhu cầu yếu từ các thị trường truyền thống, đặc biệt là châu Phi với sự hạn chế nhập khẩu của Nigeria, ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Thái Lan, mặc dù nhu cầu yếu nhưng giá tăng 10-20 USD/tấn trong vài tuần qua, chủ yếu do ảnh hưởng của khô hạn, giảm sản lượng vụ thu hoạch chính, trong khi vụ 2 đang kết thúc ước giảm 50% sản lượng và đang xem xét thiếu nước tiếp tục ảnh hưởng đến vụ hè thu, kể cả vụ chính. Chính phủ Thái tìm cách bán gạo cũ để bù đắp cân đối thị trường và giải phóng tồn kho. Bộ Thương mại nước này thông báo sẽ bán hết 11,4 triệu tấn gạo tồn kho trong vòng 2 tháng, nhiều hơn xuất khẩu cả năm nhưng chỉ để thăm dò thị trường chứ không thể thực hiện do không xác định được nhu cầu, vì hầu hết là gạo cũ, bao gồm 7,5 triệu tấn kém phẩm chất, 1,5 triệu tấn sử dụng cho công nghiệp và 2,4 triệu tấn bị hư hỏng. Kế hoạch này được triển khai chậm và Bộ Thương mại chỉ thông báo tổ chức đấu giá 1,2 triệu tấn gạo vào ngày 19-5 vừa qua.
Bên cạnh kế hoạch bán gạo tồn kho, Bộ Thương mại Thái tăng cường xúc tiến thương mại gạo, như tổ chức đoàn sang châu Phi bán gạo và nhất là sang Trung Quốc để thúc đẩy thực hiện thương vụ cung cấp 1 triệu tấn gạo G-to-G cho Trung Quốc trong 2016. Tuy nhiên, cam kết mua 1 triệu tấn gạo Thái Lan có thể gặp vấn đề khi Thái Lan thông báo tự đầu tư toàn bộ dự án đường sắt chứ không liên doanh với Trung Quốc như kế hoạch.