Theo nhận định từ giới kinh doanh, giá đường sắp tới vẫn khó có khả năng giảm là do thế giới đang thiếu khoảng 6 triệu tấn đường, tức cung không đủ đáp ứng cầu. Chính vì vậy, giá đường hiện nay vẫn tăng và duy trì ở mức cao. Với tình hình này, các nhà máy đường trong nước vẫn hoạt động tốt chứ không bị ảnh hưởng như những năm trước (nhiều nhà máy bị lỗ).
Tuy nhiên, theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện giá đường cao nên các doanh nghiệp (DN) có lãi nhưng đây chỉ là biến động trong ngắn hạn. Do đó các DN đường trong nước phải có chiến lược kinh doanh tốt, nếu không, về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ mía đường năm 2016-2017, cả nước có 40 nhà máy đường hoạt động. Diện tích mía có hợp đồng bao tiêu là 239.565 ha, năng suất bình quân là 65,2 tấn/ha, trữ đường bình quân là 9,9 CCS, sản lượng mía ép là 15.193.040 tấn, sản lượng đường đạt 1.475.127 tấn, trong đó đường tinh luyện khoảng 50%. Con số trên đều cao hơn vụ 2015-2016. Tuy nhiên năm nay, do thời tiết, khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, mưa bão kéo dài nên mía “chín” muộn hơn mọi năm. Do đó hầu hết các nhà máy đường vào vụ muộn. Tính đến ngày 23-12-2016, cả nước có 30/39 nhà máy đường vào vụ, ép được 1.617.060 tấn mía, sản xuất được 146.701 tấn đường.
Đầu vụ 2016-2017, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường đến ngày 15-8-2016 là 204.275 tấn. Đường nhập lậu và đường của Hoàng Anh Gia Lai về, nguồn cung đường được bảo đảm về số lượng, chủng loại và chất lượng. Đến cuối tháng 12-2016, hầu hết các nhà máy đường đã hoạt động. Dự kiến, sản lượng đường tháng 1-2017 đạt khoảng 300.000 tấn. Như vậy, nguồn cung là khá lớn so với nhu cầu trung bình tháng khoảng 130.000-140.000 tấn, bảo đảm nhu cầu đường để phục vụ thị trường Tết.
Cuối tháng 12-2016, giá bán buôn đường trên thị trường dao động từ 16.600-16.900 đồng/kg đối với đường kính trắng, giá đường tinh luyện ở mức 17.000-17.500 đồng/kg. So với đầu vụ, giá đường kính trắng trên thị trường tăng khoảng 700-1.100 đồng/kg, đường tinh luyện tăng khoảng 100-800 đồng/kg.
Thông thường vào dịp gần Tết, nhu cầu về đường tăng cao nên đẩy giá đường tăng lên. Tuy nhiên, do áp lực cần chi phí trang trải Tết, các công ty mía đường phải đẩy mạnh bán ra nên nguồn cung tăng cao. Do vậy, giá đường có thể không biến động nhiều từ nay cho đến Tết.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017 tổng nguồn cung là 1.752.490 tấn, trong đó, lượng tồn kho đầu kỳ là 283.490 tấn, sản xuất năm 2017 là 1.350.000 tấn, nhập khẩu 119.000 tấn, tổng cầu 1.600.000 tấn nên cân đối cung cầu cuối kỳ dư thừa khoảng 152.490 tấn. Như vậy, tình hình thị trường đường và cung cầu trong nước khó có khả năng biến động lớn. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của mưa lũ ở miền Trung cũng như tác động của biến đổi khí hậu bất thường có thể xảy ra nên diễn biến của tình hình chưa thể chắc chắn; chưa kể tình trạng nhập lậu, gian lận thương mại hoặc biến động mạnh của giá đường thế giới.
Đầu năm đã có một đợt tăng giá
Theo giới kinh doanh, giữa tháng 3-2016, do ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn nên sản lượng đường cả vụ dự báo sẽ thấp. Lúc này giá đường thế giới có chiều hướng tăng, do đó giá đường trong nước bắt đầu biến động. Một số nhà máy đường điều chỉnh kế hoạch bằng cách giảm lượng hàng bán ra. Giá đường kính trắng trên thị trường tăng từ 500-900 đồng/kg tại TP HCM, miền Bắc tăng 800-1.100 đồng/kg, miền Trung tăng 1.200 đồng/kg.
Để giải quyết tình trạng khan hiếm đường và tăng giá đột biến, cơ quan chức năng đã cho phép nhập khẩu bổ sung trước mắt 100.000 tấn nới rộng hạn ngạch thuế quan năm 2016. Đến đầu tháng 6-2016, lượng đường tồn kho còn 416.000 tấn. Giá đường cuối tháng này đã chững lại và có chiều hướng giảm nhẹ. Và nay, thời điểm cuối năm, nhu cầu đường tăng cao, giá đang bị đẩy lên.