Giá rẻ, pha chế đơn giản như... pha trà
Nước rửa chén 3 không thường được đựng trong can lớn loại 5 lít hoặc 20 lít, bán nhan nhản ở các cửa hàng tạp hóa, chợ tại TP.HCM. So với giá của một số sản phẩm có thương hiệu trên thị trường như: Nước rửa chén Sunlight hương chanh (92.000-99.000 đồng/can 4 kg); nước rửa chén Mỹ Hảo hương chanh (82.000 đồng/chai 3,8 kg)… thì loại nước rửa chén này có giá rất “mềm”, chỉ khoảng 20.000-25.000 đồng/can 5 lít.
Vì quá rẻ, nên loại nước rửa chén này được rất nhiều NTD lựa chọn, đặc biệt là những nơi phải rửa chén bát với số lượng lớn như quán ăn, nhà hàng... Theo bà Nguyễn Thị Loan (nhân viên một quán cơm tại Q.7) thì quán vẫn thường hay sử dụng nước rửa chén 3 không vì có nhiều bọt hơn các loại nước rửa chén bán trong siêu thị, không những có thể rửa được rất nhiều chén đũa hơn mà còn giúp quán tiết kiệm được một khoản chi phí. “Nếu chúng tôi mua nhiều sẽ được giảm còn 15.000 đồng/can 5 lít, giá rẻ như vậy tội gì không mua”, bà Loan cho biết thêm.
Lực lượng chức năng kiểm tra 1 cơ sở sản xuất nước rửa chén trái phép
Được biết, “công thức” chế biến loại nước rửa chén này khá đơn giản, không tốn nhiều thời gian và nguyên liệu dễ dàng tìm kiếm tại chợ hóa chất Kim Biên. Theo tìm hiểu, để pha chế hỗn hợp này cần tới một số hóa chất như chất tẩy, chất tạo bọt, chất làm đặc và chất tạo màu; chỉ cần trộn những hóa chất này lại với nhau, để khoảng chừng 30 phút, hỗn hợp này sẽ sệt lại và giống y chang nước rửa chén thông thường.
Tại khu vực chợ Kim Biên, những hóa chất này được bán công khai và mua rất dễ, người bán chỉ tiêu tốn khoảng 50.000 đồng để chế được hơn 20 lít nước rửa chén, giá bán lẻ 5.000 đồng/lít, tiền thu về gấp đôi.
Tác hại khôn lường
Theo một số chuyên gia, để sản xuất nước rửa chén bảo đảm chất lượng và an toàn với người sử dụng thì phải có công thức và cách pha chế phù hợp. Những hóa chất dùng trong thực phẩm như Axit Acetic (chanh giấm) hoặc Oxy già H202 (chất tẩy vô cơ an toàn và không độc hại) nồng độ thấp được cho là nguồn nguyên liệu sản xuất nước rửa chén an toàn nhất.
Tuy nhiên, hóa chất dùng trong thực phẩm có giá cao nên nhiều người chọn mua hóa chất dùng trong công nghiệp, hoặc hóa chất trôi nổi ngoài chợ để chế biến nước rửa chén. Trong đó, phải kể đến Linear Alkybenzen Sulfonate (LAS) là một chất tẩy rửa được sử dụng nhiều nhất và dễ gây ung thư nhất vì có nhân Benzen.
Hóa chất công nghiệp chỉ được sử dụng để tẩy rửa ở các khu công nghiệp hoặc xử lý môi trường ô nhiễm mạnh... nếu sử dụng không đúng cách sẽ tạo ra phản ứng hóa học gây hại cho NTD như: Bị bỏng khi tiếp xúc trực tiếp, ngộ độc và có thể bị suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Thực tế, nhiều người khi dùng nước rửa chén không rõ nguồn gốc thì da tay bị khô, sau một thời gian có dấu hiệu bị bong da, tay phồng rộp và thường xuyên bị ngứa rát. Chị Hải Thanh (Q.Phú Nhuận) cho biết, gia đình chị mở quán cà phê nên cũng mua loại này sử dụng để tiết kiệm chi phí. Nhưng dùng được khoảng hai tuần thì một nhân viên của quán bị bong da trên đầu ngón tay, bản thân chị Thanh thấy rát và da có dấu hiệu bỏng nhẹ.
“Lúc mua tôi cũng thấy hơi lo vì trên mỗi chai nước rửa chén không có nhãn mác, nhưng người bán hàng khẳng định dùng an toàn, giá lại rẻ nên tôi mua về dùng. Đúng là tiền mất tật mang”, chị Thanh cho hay.
Theo một bác sĩ ở Bệnh viện Da liễu TP.HCM, do hóa chất trong nước rửa chén tự chế có nhiều chất tẩy sẽ làm da bị kích ứng, dẫn đến bỏng rát và bị bong lớp sừng bảo vệ. Nếu sử dụng thường xuyên bàn tay sẽ bị chàm tạo thành những vết sẹo gây mất thẩm mỹ.
Để an toàn, NTD nên có thói quen sử dụng găng tay khi rửa chén, nếu phát hiện da có dấu hiệu bị bong tróc thì phải đổi sang dùng những sản phẩm nước rửa chén có uy tín và bôi thuốc làm lành da.