Cả về quy mô và danh tiếng, không nơi nào ở Việt Nam có cà phê nổi tiếng trong và ngoài nước, đồng thời gắn với vùng địa danh mang nhiều huyền thoại như cà phê Buôn Mê Thuột. Hơn 1 thế kỷ cà phê Buôn Mê.
Hạt ngọc miền đất đỏ
Cây cà phê du nhập vào Việt Nam khá sớm (từ năm 1857) và bắt đầu có mặt tại Tây Nguyên khoảng từ năm 1911. Trong đó, Buôn Mê Thuột được đánh giá là vùng “đất vàng” để trồng cà phê với chất lượng cao và hương vị đặc trưng ngon nhất thế giới. Hạt cà phê Buôn Mê cũng đã theo chân người Pháp đến được nhiều quốc gia và khiến nhiều người ngưỡng mộ chất lượng và hương vị của nó.
Sau hơn 100 năm có mặt trên mảnh đất Buôn Mê, cà phê trở thành cây trồng chủ lực không thể thay thế ở cao nguyên đất đỏ bazan này. Buôn Mê Thuột cũng chính là nơi có năng suất thu hoạch cà phê cao nhất thế giới, góp phần chính trong việc đưa sản lượng cà phê Việt Nam lên vị trí số 2 (riêng cà phê robusta chiếm vị trí số 1) của những quốc gia xuất khẩu cà phê. Do đó, khi nói đến thủ phủ cà phê hay thánh địa cà phê, người ta liên tưởng ngay đến Buôn Mê Thuột cũng như trân trọng gọi cà phê Buôn Mê là “hạt ngọc miền đất đỏ”.
Thổ nhưỡng, con người hun đúc cho hạt ngọc Buôn Mê
Vì sao cà phê Buôn Mê ngon nhất thế giới? Các nhà nghiên cứu, thám hiểm như Yersin, Giám mục Cassaigne, Linh mục Pierre Dourisboure.... khi khám phá Buôn Mê đều có chung nhận định: Với lợi thế là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, điều kiện tự nhiên thuận lợi, cao nguyên Buôn Mê Thuột không những là nơi cây cà phê sinh trưởng tốt mà còn tạo nên hạt chất lượng cao, hương vị khác biệt so với nhiều vùng đất khác. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - doanh nhân, nghệ nhân có thâm niên trồng và kinh doanh cà phê Buôn Mê Thuột trên 50 năm - cũng cho biết thêm: “Tây Nguyên được quy hoạch là vùng chuyên trồng cà phê của cả nước nhưng chỉ có khoảng 200.000 ha diện tích đất nằm trong bán kính Buôn Mê Thuột về phía Đông Bắc 50 km, về phía Tây Nam 30 km là thích hợp nhất cho cây cà phê, đặc biệt là giống cà phê Robusta thuộc hàng thơm ngon nhất thế giới”.
Ngoài đất đỏ bazan trù phú, Buôn Mê Thuột còn có khí hậu mát mẻ, ôn hòa với 2 mùa mưa và khô rõ rệt, nhiệt độ trung bình hằng năm khoảng 23 độ C, tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp đặc biệt thích hợp cho cây cà phê phát triển. Bên cạnh đó, dòng Sêrêpôk chảy qua phía Tây và mạng lưới suối thuộc lưu vực sông Sêrêpôk với nhiều hồ nhân tạo lớn như Ea Kao, Ea Cuôr Kăp, Ea Nhái cùng nguồn nước ngầm khá dồi dào, đã trở thành nguồn tài nguyên vô giá cho cây cà phê Buôn Mê Thuột suốt hàng trăm năm qua. Và có lẽ, ngoài yếu tố địa lý thổ nhưỡng dồi dào đã nuôi dưỡng những hạt ngọc trứ danh miền đất đỏ thì con người Buôn Mê là một chất xúc tác quan trọng, góp phần tạo nên một cà phê Buôn Mê rất riêng.
Con người Buôn Mê thừa hưởng sự phóng khoáng, chân chất, mộc mạc nhưng cũng đầy đam mê, nồng nhiệt từ núi rừng Tây Nguyên. Họ luôn xem cây cà phê, hạt cà phê như máu thịt, như linh hồn, như chính phong cách sống của mình. Họ chăm sóc những mầm cà phê từ lúc đâm chồi đến khi trĩu quả chín mọng bằng tất cả trái tim của người con Buôn Mê. Dường như, tình yêu ấy đã truyền thêm hương vị đậm nồng cho hạt cà phê do chính họ làm nên.
Vị đậm hương nồng đúng chất Buôn Mê
Nói về vị cà phê Buôn Mê, chuyên gia thử vị của Vinacafé, ông Vincent, nhận định: “Cà phê Buôn Mê thuộc loại cà phê ngon nhất thế giới. Nó có vị đậm, thơm nồng, hậu dịu, đắng nhẹ mà không chát”. Còn theo bà Duy Anh - chuyên gia phối trộn - thì: “Cảm quan hạt cà phê Buôn Mê không có màu vàng rực đẹp mắt nhưng ẩn chứa trong đó là cả một hương vị đậm nồng bùng nổ nhưng cũng mộc mạc, dịu dàng, làm say lòng bất cứ ai lần đầu thưởng thức!”. Điều này cũng giải thích lý do tại sao các nhà rang xay tại Pháp trước đây đã khá bất ngờ với chất lượng và hương vị tự nhiên của cà phê Buôn Mê Thuột, thơm đặc trưng và đậm đà hơn hẳn cà phê Bờ Biển Ngà vốn đã nổi tiếng khắp châu Âu. Đó cũng là lý do mà Vinacafé, từ khi mới thành lập (1968) đã chắt lọc để chọn ra những hạt cà phê ngon nhất, đậm chất nhất từ Buôn Mê để làm nên sản phẩm cà phê hòa tan đậm đà, nồng nàn. Cho đến nay, 100% cà phê chính gốc Buôn Mê vẫn là tiêu chí cốt lõi của thương hiệu này để tạo ra những sản phẩm xứng đáng với di sản cà phê Việt. Cũng với tiêu chí này, Vinacafé đã đi tiên phong trong việc giữ trọn hương vị nguyên bản của cà phê Việt Nam.
Có thể nói, không chỉ là thức uống ngon, cà phê Buôn Mê Thuột còn trở thành di sản, quốc ẩm của người Việt. Tìm về cà phê Buôn Mê là tìm về cội nguồn cà phê Việt, là trân trọng giá trị văn hóa đã được bảo tồn, lưu giữ hàng trăm năm.