Ngày 7-5, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong 4 tháng đầu năm 2020, EVN đã bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, phục vụ các sự kiện chính trị, xã hội… đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước.
Thủy điện gặp khó
Theo đại diện EVN, trong tháng 4, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 18,54 tỉ KWh, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng, sản lượng toàn hệ thống đạt 75,83 tỉ KWh, tăng 2,05% so với cùng kỳ năm trước. Thống kê của EVN cũng cho thấy sự sụt giảm mạnh trong cơ cấu huy động nguồn điện 4 tháng đầu năm của thủy điện, khi đạt 11,6 tỉ KWh, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, nhiệt điện than đạt 45,33 tỉ KWh, tăng 17,56% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, nhiệt điện dầu đạt 1,02 tỉ KWh, tăng gần 1 tỉ KWh so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 4 tháng đầu năm, điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 41,08 tỉ KWh, chiếm 54,18% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Trong đó, tổng sản lượng điện của các nhà máy điện do EVN sở hữu 100% vốn đạt 21,12 tỉ KWh, chiếm tỉ trọng 27,86%. Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN trong 4 tháng năm 2020 đạt 66,37 tỉ KWh, tăng 3,46% so với cùng kỳ năm 2019.
EVN tập trung nguồn lực để bảo đảm điện cho mùa nắng nóng ảnh:EVN
Đại diện EVN cũng bày tỏ lo ngại khi lưu lượng nước về các hồ thủy điện trong tháng 4 vẫn ở mức kém. Tổng sản lượng thủy điện theo nước về tháng 4 tương ứng 1,5 tỉ KWh điện, thấp hơn 477 triệu KWh so với kế hoạch. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng lượng nước về đạt 6,61 tỉ KWh, thấp hơn khoảng 3 tỉ KWh so với kế hoạch. Trong tháng 4, do tác động của dịch Covid-19 nên đã ảnh hưởng đến các dự án đầu tư xây dựng của ngành điện. Các địa phương ưu tiên tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh nên việc triển khai và phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng triển khai chậm. Nguồn lực thi công tại các công trường bị ảnh hưởng.
EVN không tự sửa hóa đơn điện
Trong tháng 5, dự báo có nhiều đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, EVN khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết; đặc biệt nên cài đặt máy điều hòa nhiệt độ ở 25-26 độ C vào ban ngày và 26-28 độ C vào ban đêm vừa giúp giảm nguy cơ sự cố điện vừa tránh được hóa đơn tiền điện tăng cao.
Về việc tiền điện của khách hàng tăng trong kỳ hóa đơn tháng 4, EVN cũng đã lý giải đây là hiện tượng có tính quy luật thời tiết hằng năm. Ở nhiều khu vực, nhất là phía Nam, tháng 3 năm nay có một số ngày nắng nóng gay gắt và kéo dài trên 35 độ C. Và do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, điện sinh hoạt tăng nhiều hơn những năm trước đó. Cụ thể, lượng điện sinh hoạt trên toàn quốc trong tháng 3 tăng tới 8,55 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng TP Hà Nội tăng 17% và TP HCM tăng 13%.
Thời gian gần đây, trên một số trang mạng xã hội cho rằng ngành điện có tự sửa hóa đơn, tăng giá điện, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết hiện nay, giá điện, biên lai tính tiền điện được thực hiện theo Quyết định 648/QĐ-BCT về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện có hiệu lực từ năm 2019 của Bộ Công Thương. Theo ông Lâm, khách hàng có thể tự đối chiếu và tính toán tiền điện trên website. Do vậy, không thể có chuyện EVN tự sửa hóa đơn điện của khách hàng. "Hóa đơn là theo mức tiêu thụ điện, chốt chỉ số đúng ngày, cũng như tuân thủ theo đúng quy định. Nếu có bất cứ thông tin nào nói chỉ số sai, người dân cần thông báo ngay để EVN phúc tra làm rõ" - ông Võ Quang Lâm nhấn mạnh.