Đối với những người ngoại tỉnh học tập, làm việc ở Sài Gòn, chỗ ở là một trong những chi phí tốn kém nhất khi phải sống xa nhà. Tuy vậy, để kiếm được một phòng trọ ưng ý với giá cả hợp lý chưa bao giờ là chuyện đơn giản, đặc biệt là đối với sinh viên và công nhân. Bởi nơi hài lòng thì giá cao, chỗ vừa túi tiền thì quá tệ…
Đó là chưa kể đến điệp khúc “tăng giá” liên tục của chủ trọ khiến khách thuê thường xuyên phải đổi chỗ cho phù hợp với tình hình kinh tế của mình. “Biến động” nhiều nhất là dịp đầu năm, khi mà các chủ trọ lấy cớ qua năm để xác lập “mặt bằng” giá mới.
Khảo sát thị trường nhà trọ tại khu vực các quận Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, quận 3 cho thấy: hầu hết các phòng trọ, chung cư đều đã tăng giá sau Tết nguyên đán. Nhiều chủ nhà trọ rao cho thuê giá thấp nhưng khi khách đến hỏi thuê lại nói giá cao hơn với lý do "bản rao từ năm cũ, năm nay tăng giá" (!). Nhiều chủ trọ thấy khách thuê nhiều còn chủ động “lật kèo” với các khách thuê cũ để tăng giá cho thuê.
Giá thuê phòng trọ, chung cư tăng cao sau Tết.
Dù niêm yết giá khá rẻ nhưng thực tế nhiều phòng trọ đã áp dụng giá mới cao hơn nhiều.
Chị Phương (sinh viên, quê Bình Thuận) bức xúc: "Cuối năm ngoái khi tôi hết hợp đồng thuê nhà, do gấp gáp về quê nên tôi nói chủ nhà là ra Tết con ký hợp đồng mới với chú nha. Ổng đồng ý và nói con ở đây lâu rồi nên khi nào ký cũng được. Tôi cứ nghĩ qua năm ký thì giá vẫn là 3,5 triệu/tháng như hiện nay. Vậy mà ăn Tết xong vào ổng nói giá thuê phòng mới là 4 triệu đồng và phải đặt cọc 2 tháng. Tôi có giải thích thì ổng nói không còn giá cũ nữa vì giờ ai cũng tăng nên ổng phải tăng. Không chỉ tăng giá thuê phòng, chi phí điện, nước cũng tăng".
Cùng tình trạng như chị Phương, anh Hoà (quê Quảng Nam) cũng giật mình với giá thuê căn hộ chung cư mà chủ nhà tăng lên sau Tết.
"Tôi thuê ở đây quen nên không làm hợp đồng gì cả. Gần 2 năm nay giá thuê tăng từ 8 triệu lên 8,5 triệu/tháng tôi thấy cũng hợp lý. Tuy vậy, sau Tết năm nay chủ nhà tự ý tăng vọt lên 9,5 triệu và bắt phải đặt cọc 2 tháng. Tôi đồng ý đặt cọc 2 tháng nhưng không chấp nhận việc tăng giá lên 1 triệu đồng chỉ sau 2 tuần nghỉ Tết”, anh Phương bức xúc.
Tuy vậy, cuối cùng “lái phải chịu đò”, anh Phương đành nhín chi tiêu để dành thêm 1 triệu đóng tiền thuê nhà hàng tháng vì mới từ quê vào bắt đầu làm việc, chuyển nhà ở rất phiền hà. Anh than: “Do người ta thấy mình cần nên người ta ép, vì công việc làm ăn nên tôi đành phải chấp nhận vì giờ cũng khó có thể tìm được chỗ ở ngay".
Các chung cư ở khu vực Tân Bình, Tân Phú đều đồng loạt tăng từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng.
Anh Hoà khá bức xúc vì chủ chung cư tự ý tăng giá từ 8,5 triệu đồng/tháng lên 9,5 triệu đồng/tháng nhưng đành phải thuê vì không tìm được chỗ mới.
Một chủ nhà có nhiều căn hộ cho thuê tại chung cư Phú Thạnh (quận Tân Phú) cho biết: "Tăng nhiều hay ít tùy vào diện tích em ạ. Diện tích dưới 60 m2 hoặc 1 phòng ngủ và không có nội thất thì tăng nhẹ. Những căn diện tích lớn, 2, 3 phòng ngủ và có nội thất đầy đủ thì tăng cao. Giá cả tăng sao thì do chủ nhà quyết chứ cũng không dựa vào tiêu chí nào. Giờ phòng trọ ít nên việc tăng giá cũng đúng thôi. Cùng với đó, chi phí sinh hoạt giờ tăng mỗi ngày, mình không tăng thì mình thiệt".
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Thể Bình - Chuyên gia bất động sản chia sẻ: "Việc các chủ nhà trọ tăng giá theo từng năm đã diễn ra khá lâu và tăng từ vài trăm ngàn đến vài triệu tuỳ theo căn. Đó là cách để họ kinh doanh, dù nhiều người thuê sốc với việc tăng giá nhưng cũng đành phải thuê vì khó tìm được chỗ ở mới một cách nhanh chóng”.
Ông cũng đưa ra lời khuyên: “Để tránh tình trạng trên, tôi khuyên các bạn khi đi thuê nhà cần phải hỏi cặn kẽ về giá thuê nhà cũng như việc tăng giá hàng năm. Cẩn trọng hơn, các bạn cần phải làm hợp đồng rõ ràng và ghi các điều khoản tăng giá theo hàng năm để tránh việc tăng giá "vô tội vạ". Mặt khác, khi kết thúc hợp đồng vào những lúc cuối năm, các bạn cũng nên ký hợp đồng ngay trước Tết để tránh việc tăng giá đầu năm. Do việc tăng giá các cơ quan chức năng cũng chưa quản lý chặt nên các bạn hãy tự bảo vệ mình để tránh "nước đến chân mới nhảy ".