Đó là thông tin được ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tại hội thảo Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG) tổ chức ngày 11-6 tại TP HCM.
Giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu là một trong những yêu cầu Nghị quyết 19 đặt ra và các bộ ngành đã thực hiện được (trừ hàng hóa phải kiểm dịch động vật). Mục tiêu đặt ra là thời gian thông quan hàng hóa xuống còn 90 giờ (hàng nhập khẩu) và 70 giờ (hàng xuất khẩu).
Khí dầu mỏ dạng hóa lỏng (LPG - thường gọi là gas) là mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý chuyên ngành của Bộ Khoa học và Công nghệ
Riêng thời gian thông quan đối với hàng hóa thuộc danh mục do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý hiện chỉ còn 24 giờ (1 ngày). Ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết thời gian thông quan trung bình 1 lô hàng ở giai đoạn 2012-2015 là 23 ngày, giai đoạn 2015-2016 là 13 ngày và giai đoạn 2017 đến nay là 1 ngày.
"Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 07 có hiệu lực từ 1-10-2017 chính thức áp dụng cơ chế hậu kiểm cho 96% lô hàng (93% nếu tính theo mã HS) và kéo giảm thời gian thông quan xuống còn 1 ngày. Nếu so với các nước trong khu vực ASEAN4 (4 nước phát triển nhất ASEAN gồm Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia) là 90 giờ thì thời gian thông quan của Việt Nam, tính riêng nhóm hàng hóa do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý là ngắn nhất. Đây là nỗ lực cải cách của Bộ Khoa học và Công nghệ" – ông Linh nhấn mạnh.
Theo báo cáo tổng hợp do ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia dự án USAID GIG trình bày thì theo phản ánh của các doanh nghiệp, thời gian thông quan các lô hàng phải kiểm dịch động vật là dài nhất: 96 giờ (tại Hà Nội) và 108 giờ (tại TP HCM), kiểm tra thực vật mất 60 giờ (tại TP HCM) và 50 giờ (tại Hà Nội).