Quy trình trồng, chế biến chuối theo công nghệ Nhật được theo dõi rất chặt chẽ. Có khi chỉ một vài trái xấu phải bỏ cả nải chuối. Ảnh: QUANG HUY
Trồng hoa xuất sang Nhật bằng… cảm biến
Nắm thông tin về thị trường tiêu thụ hoa khổng lồ của Nhật Bản với 9 tỉ USD mỗi năm từ Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), Công ty Pan Saladbowl đã chọn hoa cúc với 40 giống có màu sắc và kiểu hoa khác nhau làm sản phẩm chiến lược để đầu tư công nghệ Nhật, xuất khẩu sang Nhật. Đây là một trong những thị trường khắt khe nhất và khó nhằn với bất kỳ DN xuất khẩu nào.
Theo bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch HĐQT Công ty Pan Saladbowl, không phải tự nhiên Pan Saladbowl đi vào con đường khó mà có sự tính toán rất chi tiết và cẩn trọng. “Tại điểm khởi đầu, công ty đã tìm hiểu các cơ hội, nắm bắt nhu cầu thị trường, có đối tác cam kết tiêu thụ đầu ra, rồi mới tiến hành xây dựng nhà kính, đầu tư máy móc, công nghệ. Cách làm này sẽ không đặt DN vào thế rủi ro do đầu tư quá lớn nhưng không bán được hàng hóa” - bà My chia sẻ.
Một nhóm chuyên gia Nhật đã hỗ trợ Pan Saladbowl từ phân tích vùng trồng, thổ nhưỡng cho đến tư vấn kỹ thuật sản xuất. Theo đó, toàn bộ diện tích hoa trồng trong nhà kính với khả năng kiểm soát môi trường và khí hậu tối đa cho cây trồng thông qua các cảm biến và hệ thống máy tính tự động.
Một công nghệ hiện đại của Nhật Bản được công ty ứng dụng là sử dụng công nghệ IT, điện thoại thông minh vào quản lý, sản xuất nông nghiệp. Với việc áp dụng công nghệ này, người quản lý không cần ra đồng vẫn nắm bắt, biết được công nhân đang làm gì và hiệu quả công việc ra sao. Mỗi công nhân được trang bị một điện thoại thông minh đã cài sẵn chương trình quản lý.
Ví dụ, khi bắt đầu công việc thì nhấn vào nút bắt đầu, như bắt đầu lên luống hoặc tra hạt, chăm sóc… đến khi dừng công việc thì ấn vào nút kết thúc. Tất cả thông tin về quy trình đó sẽ lập tức được gửi về máy chủ và người quản lý sẽ biết được các công việc hay tình hình đang diễn ra.
“Suất đầu tư lên đến 10 tỉ đồng cho 1 ha nhà kính nhưng đổi lại, mô hình này đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật, đảm bảo hoa đạt chất lượng đồng đều, màu sắc, trọng lượng, tuổi thọ kéo dài 6-7 tuần” - bà My tiết lộ.
Hiện nay, Pan Saladbowl sản xuất một năm hơn bảy triệu cành hoa cúc và cẩm chướng, xuất khẩu hết sang thị trường Nhật. “Các đối tác Nhật cho biết nếu công ty tăng thêm sản lượng gấp 2-3 lần thì thị trường Nhật vẫn bao tiêu hết” - bà My chia sẻ tin vui.
Xuất khẩu thịt gà vào thị trường Nhật Bản tạo ra nhiều cơ hội cho sản phẩm nông sản Việt Nam.
Khổ trước nhưng sướng sau
Không chỉ hoa mà gần đây, nhiều trang trại, DN Việt đã áp dụng thành công công nghệ Nhật để trồng rau, quả… Là đơn vị đầu tiên và duy nhất hiện nay xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản, ông Khưu Nhon Hiếu, Tổng Giám đốc Koyu&Unitek, cho biết để có kết quả này công ty đã phải trải qua các điều kiện, thủ tục thú y mất gần ba năm.
“Đặc biệt, công ty phải bỏ ra 6 triệu USD nhập dây chuyền máy móc, công nghệ từ Nhật Bản để xây dựng nhà máy có công suất chế biến 50.000 con gà/ngày” - ông Hiếu cho hay.
Ông Nguyễn Minh Kha, chủ trang trại gà đang cung ứng gà cho Công ty Koyu&Unitek, cho biết thêm để xuất khẩu được hàng đi Nhật cần tuân thủ các điều kiện rất khắt khe về chất lượng. Theo đó, toàn bộ gà giống phải được nhập khẩu từ Pháp và Mỹ.
“Trong quá trình nuôi không được xảy ra các dịch bệnh cúm gia cầm, bệnh dịch tả và không tồn dư kháng sinh. Ngay cả một số kháng sinh mà Việt Nam cho phép dùng trong chăn nuôi, Nhật cũng không cho sử dụng” - ông Kha kể.
Thành công với việc xuất khẩu thương hiệu chuối Fohla sang Nhật, Hàn Quốc và Singapore, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, chia sẻ phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, thất bại nhiều lần mới đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính này vì trước đây DN chủ yếu xuất dễ sang Trung Quốc.
Ông Huy nhấn mạnh: “Dù khó khăn nhưng khi đã áp dụng theo các tiêu chuẩn, quy trình công nghệ Nhật thì DN không chỉ tiết kiệm được chi phí nhân công, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm hư hỏng nông sản sau thu hoạch… Quan trọng nhất là uy tín, chất lượng, thương hiệu được bảo đảm”.
Lợi cho nông dân
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, cho rằng nông nghiệp Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng với công nghệ hiện đại, sản xuất sạch. Những năm gần đây, các DN Nhật đang chọn Việt Nam nơi có điều kiện thổ nhưỡng tương đồng, thích hợp để hợp tác đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp. Đây cũng là hướng phát triển mà nhiều DN Việt Nam đang hướng tới, hợp tác trực tiếp với Nhật để làm theo đơn đặt hàng.
Tuy vậy, theo GS Xuân, ngoài áp dụng công nghệ Nhật thì cần phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp như Nhật với khả năng thực hiện đa nhiệm vụ. Cụ thể, một hợp tác xã có thể kinh doanh hàng loạt dịch vụ kinh tế-xã hội như cung cấp nguyên liệu đầu vào, tổ chức thị trường đầu ra, cho vay tín dụng, cung cấp dịch vụ bảo hiểm, phân phối hàng tiêu dùng…
“Hợp tác xã kiểu Nhật cũng là đầu mối áp dụng khoa học kỹ thuật hợp tác chuyển giao với các DN, đảm bảo đầu ra, bảo vệ quyền lợi cho nông dân” - GS Võ Tòng Xuân gợi ý.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng lời giải việc tăng giá trị nông sản, mang lại lợi nhuận cao nằm ở việc phát triển công nghệ trong nông nghiệp. Câu chuyện hàng Việt áp dụng công nghệ Nhật là kinh nghiệm tốt. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết hiện nay Bộ đang phối hợp với bộ, ngành liên quan đẩy nhanh các mô hình liên kết nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực rau quả nói riêng, trồng trọt nói chung phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.