Ngày 10-11, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức hội thảo "Giao dịch thương mại trên sàn thương mại điện tử và những vấn đề pháp lý quan trọng".
Toàn cảnh hội thảo
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM, đánh giá trong thời gian qua, việc hàng loạt các sàn giao dịch điện tử hình thành đã tạo động lực cho doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng mua sắm và giao dịch nhiều hơn. Lượng mua sắm trên sàn tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng khách hàng truy cập các sàn cũng tăng trưởng ấn tượng và đạt 3,5 triệu khách/ngày. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy còn nhiều vấn đề cần khắc phục như giao dịch chưa thật thuận tiện, website không dễ truy cập, sản phẩm thật không giống hình ảnh… Từ đó, đòi hỏi cơ chế xử lý, khắc phục các khiếu nại, tranh chấp phát sinh bằng các hình thức như: thương lượng, giải quyết khiếu nại, hòa giải, trọng tài thương mại.
Đại diện Tiki nhìn nhận Covid-19 tạo nên làn sóng mạnh mẽ với nền kinh tế số khi hàng loạt DN chuyển sang hình thức giao dịch mới qua online và vô tình đẩy số lượng tranh chấp tăng lên. Mặc dù các sàn đều xây dựng bộ phận chăm sóc, giải quyết khiếu nại nhưng giải quyết chưa thực sự triệt để, chỉ có hiệu quả với các tranh chấp, mâu thuẫn không quá phức tạp. Đại diện Tiki nhấn mạnh tính cấp thiết trong việc ban hành những quy định pháp luật rõ ràng.
Theo bà Hoàng Nguyễn Hạ Quyên, Công ty Luật LNT & Partners - hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), nêu thực tế hầu hết sàn thương mại điện tử chỉ yêu cầu nhà cung cấp, người bán cung cấp thông tin cơ bản khi thực hiện giao dịch mà không thực sự quan tâm đến kiểm soát chất lượng hàng hóa. Hậu quả là người mua hàng online có nguy cơ bị lừa đảo, nhận hàng kém chất lượng, thiếu hoặc không có thông tin chính xác về người cung cấp hay gặp rủi ro trong thanh toán. Thực tế cũng cho thấy các vi phạm thường xuyên xảy ra trong khi các sàn chưa có cơ chế thực tiễn để kiểm soát việc tuân thủ quy định của nhà cung cấp đối với sàn.
"Pháp luật có những điều luật điều chỉnh về việc xử phạt các hành vi cung cấp thông tin hoặc buôn bán hàng giả nhưng lại chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn là chính xác, đầy đủ" - bà Quyên nhận xét và lưu ý với mạng lưới trực tuyến ngày càng khó kiểm soát, nhà nước phải nhanh chóng thiết lập hệ thống pháp luật chặt chẽ hơn trong môi trường điện tử.