Theo ông Lò Minh Hùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, từ loại cây ăn quả trồng tự phát, phục vụ chủ yếu nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, nơi đây đã quy hoạch vùng trồng, ứng dụng kỹ thuật canh tác nâng cao chất lượng quả nhãn. Đây là lô nhãn xuất khẩu chính ngạch đầu tiên của Sơn La mùa vụ 2020 sang thị trường nước ngoài.
Hiện nhãn Sơn La, nhãn Sông Mã đã đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện khắt khe và xuất sang nhiều thị trường như Australia, Mỹ, Trung Quốc. Còn tại thị trường trong nước, mặt hàng này đang được tiêu thụ tốt trên hệ thống siêu thị lớn như BigC, Coop.mart hay Aeon...
"Tới đây, tỉnh sẽ đưa một số nhà máy, cơ sở chế biến hoa quả vào hoạt động, thúc đẩy tiêu thụ nhãn và trái cây cho bà con nông dân", ông Hùng cho biết.
Nhận xét "tỉnh Sơn La đang làm khá tốt công tác xúc tiến, phát triển thị trường", song ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, để khai thác tối đa tiềm năng của cây nhãn, nâng cao giá trị thương mại quả nhãn, hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh cần được nghiên cứu. Ngoài ra, tỉnh cần có kế hoạch thực hiện gắn với chuỗi giá trị từ phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu đến phát triển thị trường.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, cơ quan này sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh Sơn La trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu mới với mục tiêu "bền vững, mang lại giá trị gia tăng cao cho quả nhãn Sơn La".
Mai Sơn là huyện có diện tích trồng nhãn lớn của tỉnh Sơn La với hơn 2.500 ha, sản lượng ước tính 14.650 tấn. Vụ năm nay sản lượng nhãn đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, riêng huyện Mai Sơn khoảng 5.200 tấn.
Năm 2020, tỉnh Sơn La dự tính tiêu thụ khoảng 75.000 tấn nhãn, trong đó 8.500 tấn dành cho xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Australia, Mỹ...