Để giải quyết tình trạng nông dân chăn nuôi bò sữa phải đổ bỏ sữa vì không bán được trên địa bàn Lâm Đồng vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ký kết với Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) về việc hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015-2020. Theo đó, Vinamilk xây dựng hệ thống trang trại tập trung, trung tâm giống, tổ chức hệ thống thu mua sữa tươi nguyên liệu cho nông dân, xây nhà máy chế biến sữa hữu cơ.
Đồng hành cùng nông dân nuôi bò sữa
Mục tiêu của việc hợp tác là phát triển đàn bò sữa để xây dựng Lâm Đồng trở thành thủ phủ chăn nuôi bò sữa trong nước. Phát triển hệ thống chăn nuôi bò sữa tập trung, thu mua sữa tươi nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến sữa tại Lâm Đồng, bảo đảm đầu ra cho sữa tươi nguyên liệu do nông dân Lâm Đồng sản xuất và khuyến khích hộ chăn nuôi áp dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ cao trong chăn nuôi.
Tỉnh Lâm Đồng sẽ tạo điều kiện cho Vinamilk xây dựng từ 2-3 trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung, công nghệ hiện đại, với tổng đàn khoảng 10.000 con. Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung là hạt nhân, cung cấp các dịch vụ tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, thú y, nguồn tinh bò sữa thuần chủng, thức ăn chăn nuôi. Xây dựng trung tâm giống bò sữa hạt nhân chất lượng cao để cung cấp con giống bò sữa Hosltein Friesian thuần chủng, năng suất cao cho nông dân.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và Vinamilk cùng ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa giữa tỉnh Lâm Đồng và Vinamilk giai đoạn 2015-2020
Vinamilk tổ chức hệ thống thu mua, xây dựng trung tâm trung chuyển, với hệ thống thiết bị hiện đại bảo đảm thu mua tối thiểu 90% sản lượng sữa tươi nguyên liệu do nông dân Lâm Đồng sản xuất trong vùng quy hoạch chăn nuôi bò sữa của tỉnh theo hợp đồng tiêu thụ sữa tươi. Khi sản lượng thu mua của Vinamilk trên địa bàn đạt trên 200 tấn sữa tươi/ngày, Vinamilk sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sữa hữu cơ trên địa bàn. Vinamilk thành lập dự án “Phát triển nguồn nguyên liệu sữa Lâm Đồng”, thành lập Trung tâm Huấn luyện chăn nuôi bò sữa, xây dựng trang trại bò sữa kiểu mẫu để trình diễn và làm cơ sở cho nông dân học tập. Dự án dành khoản 150.900 euro để tài trợ xây dựng 30 hộ mô hình vệ tinh chăn nuôi bò sữa kiểu mẫu.
Tạo điều kiện phát triển
Hiện tổng đàn bò sữa của địa phương này là 15.410 con, sản lượng sữa tươi khoảng 120 tấn/ngày (tăng 20 tấn so với năm ngoái). Với 1.556 hộ chăn nuôi, mỗi hộ nuôi từ 6-7 con bò sữa. Có 3 đơn vị thu mua, trong đó Vinamilk thu mua hơn 70% sản lượng. Với việc hợp tác giữa Vinamilk và Lâm Đồng, đến năm 2020, đàn bò sữa của tỉnh này sẽ đạt khoảng 40.000-50.000 con, sản lượng sữa tươi khoảng 180.000-200.000 tấn/năm.
Lâm Đồng xây dựng đề án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2015-2020 làm cơ sở để triển khai chỉ đạo các địa phương phát triển đàn bò sữa theo quy hoạch. Trong đó xác định rõ các khu vực phù hợp cho phát triển chăn nuôi bò sữa, diện tích trồng cỏ. Trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển bò sữa, tỉnh ưu tiên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo đảm được vùng nguyên liệu, có kinh nghiệm, thị trường, công nghệ và bảo đảm được đầu ra cho nông dân.
Tỉnh còn có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp có đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng con giống, quy trình khép kín đồng cỏ, chăn nuôi, chế biến sữa và thị trường tiêu thụ. Có kế hoạch hợp đồng dài hạn phát triển đồng cỏ với nông dân. Tỉnh tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm bắt buộc trên đàn gia súc. Có chính sách hỗ trợ tiêm phòng các bệnh bắt buộc theo quy định cho đàn bò sữa. Lâm Đồng cũng có quyết định cấp đất cho Vinamilk xây dựng 5 trạm thu mua sữa tươi cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết vụ việc người dân không bán đươc sữa vừa qua có khoảng 300 hộ. Những hộ này do chưa ký hợp đồng với doanh nghiệp chế biến sữa nên họ gửi sữa cho các hộ khác để bán. Sau sự cố trên, tỉnh đã làm việc với Vinamilk và được doanh nghiệp này tiến hành thu mua hết sữa bò tươi nguyên liệu cho người dân. |
Bài và ảnh: UYÊN THẢO