Lần lượt các đợt dịch trong năm qua đang khiến khoản vốn đầu tư vào cửa hàng bánh canh của chị Hạnh cạn kiệt. Trước khi mở ở Gò Vấp, chị từng có một cửa hàng ở quận 3 nhưng vì đợt dịch lần trước, cũng ế ẩm. Giá thuê mặt bằng ở đây cao nên chị đã buộc phải nghỉ, chuyển qua Gò Vấp này.
"Quán mới khai trương hai tháng nay, khách chưa nhiều mà lại phải đóng cửa tiếp nên tôi quyết định trả mặt bằng và bán online để bớt chi phí với mong muốn tồn tại qua dịch", chị Hạnh chia sẻ.
Chị Liên, chủ quán bún riêu, hủ tiếu trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp) cũng kể, trước khi thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ, quán của chị đã giảm mạnh doanh thu vì lệnh đóng của hàng quán chỉ được bán online trước đó. "Tôi từng dự định bán thêm trái cây để kiếm thêm ít thu nhập", chị nói. Nhưng với thông báo mới, kế hoạch có thể bị treo lại.
Cô Ba, chủ quán bún bò trên đường này cho biết từng bán được cả trăm tô mỗi sáng trước khi dịch bùng phát lại. Đợt phải bán online, cô chỉ bán được 20 tô và phải điều chỉnh lượng nguyên liệu để phù hợp tình hình. Còn nay, vì là hàng quán không thiết yếu, cô cũng có nhiều cân nhắc.
Tại Hà Nội, dù thành phố không phải thực hiện các biện pháp giãn cách, chủ các cửa hàng cũng gặp nhiều hạn chế vì lệnh chỉ được bán mang đi.
Kinh doanh đồ giải khát như tào phớ, caramen... chị Linh đã xây dựng được cho mình 3 cửa hàng. "Quán lâu nhất cũng 5 năm, ít nhất cũng 2 năm, lượng khách quen rất ổn định", chị mô tả. Nhưng vì dịch bệnh bùng phát, chị thống kê doanh số tại các giảm đi khoảng 60% dù đang là mùa cao điểm.
"Bán online chỉ để đỡ lỗ thôi, chứ không thể nào bù được, trừ những cửa hàng xuất phát điểm ban đầu là bán qua mạng thì mới không ảnh hưởng", chị nói.
Dù vậy, chị cho biết vẫn thấy may vì làm ăn nhỏ lẻ. Theo chị đánh giá, những cửa hàng có chi phí vận hành thấp, bán đồ "ăn chơi" như mình vẫn còn có cửa xoay xở. "Những nhà hàng lớn, chi phí vận hành cao, cồng kềnh, nhiều người còn muốn đóng luôn cho đỡ lỗ", chị nói.
Nhưng việc cắt lỗ bằng cách đóng cửa luôn không dễ dàng. Anh Hoàng, chủ nhà hàng rộng hàng trăm mét vuông, đa phần tổ chức tiệc, sinh nhật, hội họp ở quận Bình Thạnh cho biết đang chịu lỗ 35 triệu mỗi ngày.
"Nếu tình hình này kéo dài thì mức lỗ có thể lên tới hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, chúng tôi không được trả ngang mặt bằng như những hàng quán khác bởi đất thuê được ký hợp đồng dài hạn và số tiền thuê đất phải trả trước", anh Hoàng kể. Do vậy, anh vẫn phải gồng mình chờ dịch ổn định.
Anh Tuấn, chủ một nhà hàng đồ nướng ở quận Long Biên cho biết, việc kinh doanh vẫn được duy trì thông qua bán online nhưng chỉ mang tính chất cầm chừng để "nhân viên có việc". Từ 15 nhân viên phục vụ bếp, bàn, dọn dẹp..., anh chỉ giữ lại 5 người làm chính. "Doanh số giảm, giá cả thực phẩm đắt lên, lương cho nhân viên, tiền thuê mặt bằng vẫn thế..., thiệt hại nhiều", anh thở dài.
Không chỉ hàng quán nhỏ, nhà hàng chịu ảnh hưởng mà chuỗi kinh doanh ẩm thực cũng đang gặp khó. Chia sẻ với VnExpress, ông Mai Trường Giang, chủ doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng gồm 2 thương hiệu bánh Chewy Chewy và gà rán Otoke Chicken cho hay, đợt dịch thứ tư khiến không chỉ chuỗi cửa hàng của ông mà doanh nghiệp trong nhóm F&B lao đao.
4 đợt dịch, theo ông Giang, khiến doanh nghiệp F&B bị vùi lên dập xuống mạnh. Do đó, nhiều doanh nghiệp buộc phải "rút ống thở" khi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh. "Đợt dịch này khiến doanh thu giảm 30% so với trước đó. Sau lệnh đóng cửa tôi cho nhân viên nghỉ bớt, đóng một số cửa hàng nào không trụ được trong đợt dịch này", ông Giang nói.
Theo các doanh nghiệp F&B, qua 4 đợt dịch họ đang khá thoi thóp. Mặc dù các doanh nghiệp đã tìm khá nhiều giải pháp như bán online, bán qua các nền tảng công nghệ như Grabfood, Beamin hay Now nhưng doanh số vẫn không mấy cải thiện mà thậm chí còn giảm. Do đó, doanh nghiệp nào cạn nguồn tiền có thể giải thể và đóng cửa. Trước đó, cộng đồng doanh nghiệp đã cầu cứu cơ quan nhà nước xin hỗ trợ thuế, bảo hiểm nhưng tới nay Chính phủ vẫn chưa có động thái nào hỗ trợ doanh nghiệp F&B. Hiện các loại thuế VAT, bảo hiểm vẫn phải đóng đầy đủ.