Đây là ý kiến của TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc VCCI), chia sẻ tại tại tọa đàm trực tuyến chủ đề "Hậu Covid-19: Chuẩn bị gì để trở lại đường đua?", do Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Hội Doanh nhân trẻ TP HCM và nhãn hàng Tôn Colorbond của Công ty NS Bluescope Việt Nam tổ chức ngày 22-5.
Trong bối cảnh thực tế các ngành gỗ, dệt may đều đang gặp khó do tác động của dịch Covid-19, doanh nghiệp vẫn có cơ hội đưa hàng xuất khẩu sang các nước sau dịch bệnh.
Khi các nền kinh tế lớn của thế giới khởi động trở lại sau dịch, nguồn cung của thế giới cũng sẽ gặp khó khăn. Chẳng hạn, Trung Quốc bắt đầu khởi động lại nền kinh tế và các nhà xuất khẩu tại nước này sẽ dùng giá rẻ làm lợi thế cạnh tranh. Từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, các nhà xuất khẩu sẽ e ngại rủi ro đến từ việc "tập trung trứng vào một rổ" nên sẽ có sự điều chỉnh các ngành nghề thiết yếu đang phụ thuộc vào nước ngoài.
Thị trường nội địa cũng đầy tiềm năng đang chờ doanh nghiệp khai thác. Ảnh: Linh Anh
Do đó, sẽ có xu hướng dịch chuyển sản xuất nhằm đa dạng hóa thị trường và nhiều nền kinh tế sẽ chuyển dịch nhà máy sản xuất về gần Việt Nam. Thậm chí, nhiều nước còn hỗ trợ để nhà đầu tư quay về thị trường bản địa. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không chỉ bị cạnh tranh với nhà xuất khẩu ở nước khác mà còn chịu sức ép cạnh tranh ở chính thị trường nội địa, bởi ngành sản xuất nội địa của nước bản địa đang lớn dần lên.
"Dù vậy, Việt Nam vẫn có cơ hội trong xuất khẩu. Về cầu, trong thời gian dịch bệnh, Việt Nam đã nâng được uy tín của mình từ việc kiểm soát tốt dịch bệnh, có sự ứng xử nhân văn với các nước đối tác, nước bạn. Một số mặt hàng như lương thực-thực phẩm, vật tư y tế, thiết bị máy tính có thế mạnh xuất khẩu, nhu cầu trên toàn cầu cũng tăng lên" - bà Nguyễn Thị Thu Trang phân tích.
Ngoài ra, ở thị trường EU, việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực tế cũng tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội. EU là thị trường xuất khẩu lớn, trên 400 triệu dân nhưng là khu vực có sức mua lớn thứ 2 thế giới. Đặc biệt, các đối thủ cung cấp hàng hóa có tính cạnh tranh với Việt Nam tại EU như Trung Quốc đều chưa có hiệp định với nền kinh tế này.
Về dài hạn, cơ hội là có và chúng ta làm tốt vẫn có thể tận dụng được. Doanh nghiệp Việt Nam nên chinh phục lại thị trường trong nước để đi bằng 2 chân, vừa tăng cường xuất khẩu vừa tăng cường tiêu thụ tại thị trường nội địa.
"Đây là giai đoạn cần nghiên cứu lại chính thị trường trong nước, ổn định hệ thống và tận dụng việc chi phí vận chuyển và vận hành đang rẻ. Khi xuất khẩu còn mờ nhạt về tín hiệu hồi phục, thị trường trong nước xứng đáng để các nhà sản xuất quan tâm và tập trung" - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập nhấn mạnh.