Theo đó, Sở Công Thương đề xuất UBND TP 2 phương án miễn giảm thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn.
Phương án 1: Miễn thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ truyền thống trong thời gian 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6.
Phương án 2: Giảm 50% tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ truyền thống trong 6 tháng, từ tháng 4 đến tháng 9.
Nguồn kinh phí hoạt động của chợ trong thời gian miễn thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ sẽ trích từ nguồn quỹ dự phòng của chợ. Trường hợp nguồn quỹ dự phòng tại chợ không đảm bảo các khoản chi hoạt động thường xuyên, UBND quận - huyện sẽ trích từ nguồn ngân sách dự phòng tại địa phương để hỗ trợ các chợ.
Chợ An Đông (quận 5) liên tục ế ẩm trong mấy tháng gần đây. Ảnh: Tấn Thạnh
Trước đó, đầu tháng 5, Sở Công Thương từng kiến nghị UBND TP HCM miễn thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ truyền thống trên địa bàn trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.
Theo Sở Công Thương, từ tháng 2 đến nay, mãi lực các chợ truyền thống giảm mạnh 50%-80% khiến thương nhân tại chợ gặp khó khăn trong việc kinh doanh. Tại một số chợ hạng 1 chuyên phục vụ khách du lịch như Bến Thành, Bình Tây…, mãi lực giảm đến 80%-90% do chính sách không mở cửa đối với du khách, khiến thương nhân bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, cũng vì mãi lực thấp, một số chợ đã xuất hiện tình trạng tiểu thương bức xúc do chưa có chính sách hỗ trợ kịp thời trong thời gian diễn ra dịch bệnh, dễ bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, kích động gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
TP HCM hiện có 238 chợ, trong đó 235 chợ truyền thống phục vụ chủ yếu người dân có thu nhập vừa và thấp, đồng thời cũng là nơi cung cấp nhiều việc làm cho người lao động. Do đó, việc tồn tại của hệ thống chợ là rất quan trọng, vừa là nơi cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm vừa là nơi giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân và góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội.
Trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tại các chợ truyền thống, mãi lực giảm mạnh 50%-80% từ tháng 2 đến nay khiến nhiều người bán hàng gặp khó khăn trong việc kinh doanh.
Tuy nhiên, các chợ vẫn hoạt động để bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các thương nhân khi vẫn phải tốn các chi phí để duy trì việc bán hàng trong khi doanh thu giảm.
Bên cạnh đó, một số thương nhân bức xúc do chưa có chính sách hỗ trợ kịp thời các khó khăn trong thời gian diễn ra dịch bệnh, từ đó dễ bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, kích động gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Từ thực tế trên, Sở Công thương TP nhận thấy giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ có tác động đến nhiều mặt như: giá cả thị trường, chi phí bán hàng, tâm lý thương nhân, các chính sách an sinh xã hội... Do đó, giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ truyền thống ở TP thuộc trường hợp là giá dịch vụ thiết yếu.