Ngành điều đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu để sản xuất, chế biến xuất khẩu. Do giá nguyên liệu điều thô thế giới tăng cao, doanh nghiệp (DN) trong nước không dám nhập khẩu (chế biến điều xuất khẩu phần lớn nhờ vào nguồn nhập khẩu nguyên liệu thế giới, nguyên liệu điều trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu). Nhiều nhà máy chế biến phải sản xuất cầm chừng, thậm chí tạm ngưng sản xuất.
Giá nguyên liệu tăng cao
Các DN điều cho biết giá điều thô nhập khẩu trong năm 2015 dao động từ 1.200-1.350 USD/tấn thì từ đầu năm 2016 đã tăng lên 1.610 USD/tấn. Với giá nguyên liệu thế giới tăng cao như hiện nay, nếu nhập về để chế biến DN sẽ bị lỗ nặng. Do đó không ai dám nhập khẩu nguyên liệu vào thời điểm này mà phải chờ khi nào giá giảm xuống mới dám nhập hàng về.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết hiện các DN đang sản xuất từ nguồn nguyên liệu còn tồn kho từ năm ngoái. Tuy nhiên, những DN còn nguyên liệu tồn kho nhiều cũng chỉ đủ sản xuất vài ba tuần nữa là hết nguyên liệu. Nhiều DN dự trữ ít chỉ đủ hàng sản xuất trong tháng 2 vừa qua. Tức trong tháng 3, 4, 5 tới đây, các DN này sẽ không còn nguyên liệu để chế biến.

Giá điều thô đang tăng mạnh
Hiệp hội cũng cảnh báo các DN nếu còn hàng tồn trong kho thì không nên nhập nguyên liệu với giá cao như hiện nay, trong khi giá bán ra lại không tăng so với năm ngoái. Năm 2016, chưa thấy có tín hiệu giá điều chế biến trên thế giới tăng, thậm chí giá các sản phẩm điều có khả năng sẽ giảm do giá một số loại hạt đang giảm, chẳng hạn giá hạnh nhân chế biến đã giảm 5%.
Giá trong nước tăng 30%
Được biết giá điều tươi tại khu vực Đồng Nai hiện nay từ 33.500-34.000 đồng/kg (trong khi cùng kỳ năm ngoái là 27.000-28.000 đồng/kg), điều khô nhập kho từ 38.000-39.000 đồng/kg (năm ngoái là 32.000-33.000 đồng/kg). Theo nhận định từ các DN trong khu vực là họ sẽ thiếu khoảng 30.000 tấn nguyên liệu. Tương tự khu vực Bình Phước, giá điều thô đầu vụ hiện khá cao nên các DN chưa dám thu mua nhiều mà chỉ mua với lượng ít để khai trương lấy ngày là chủ yếu.
Giới chuyên môn nhận định với thời tiết không thuận lợi trên thế giới cũng như trong nước, khả năng sản lượng điều năm nay sẽ giảm đáng kể. Tại khu vực các tỉnh Đông Nam Bộ, do thời tiết phức tạp, mùa khô kéo dài nên ảnh hưởng đến việc ra hoa, đậu trái của cây điều. Sản lượng điều tại Đồng Nai có khả năng giảm từ 10%-15%, có khu vực giảm đến 30%. Mùa vụ điều tại Đồng Nai cũng bị kéo dài đến cuối tháng 5 tới nên ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng. Tương tự, mùa vụ điều tại Bình Phước kéo dài đến tháng 6 nên sẽ gặp nhiều rủi ro. Nhiều nơi thiếu nước đã ảnh hưởng đến việc ra hoa đợt 2 của cây điều.
Giới chuyên môn cảnh báo các DN chế biến điều xuất khẩu cần cân nhắc, cân đối đầu vào và đầu ra. Nên dự trữ nguyên liệu theo sức DN để tránh tình trạng như năm 2011, DN lo ngại giá nguyên liệu sẽ tăng nên đua nhau dự trữ số lượng lớn. Tuy nhiên, sau đó giá nguyên liệu giảm mạnh trở lại làm nhiều DN lỗ nặng. Được biết trước đây điều trên thế giới thu hoạch theo mùa nhưng những năm gần đây điều thu hoạch quanh năm, nên rủi ro dự trữ số lượng lớn là rất cao.
Hai tháng đầu năm 2016, xuất khẩu đạt 37.000 tấn điều nhân các loại, với kim ngạch 278 triệu USD, tăng 5,3% về lượng và tăng 11% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến năm nay, xuất khẩu điều sẽ tương đương năm ngoái. Được biết lượng điều xuất khẩu năm 2015 là 330.000 tấn với kim ngạch đạt 2,5 tỉ USD, trong đó nhân điều đạt 2,3 tỉ USD, còn lại là dầu vỏ hạt điều và các sản phẩm chế biến sâu. Giá xuất khẩu bình quân 7.300 USD/tấn, tăng 12% so với năm trước. |
Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI