Doanh nhân Đặng Thị Hồng (SN 1953)- Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hòa Hiệp (phường 4, TP Vĩnh Long) từng trải qua những ngày như thế trên hành trình cùng chồng là ông Lê Văn Bảy đưa nước mắm Hòa Hiệp vươn xa.
"Quen cực khổ như quen hương nước mắm"
Cho biết mình có gốc "dân lao động" ở xã An Bình (huyện Long Hồ), năm 22 tuổi, bà Đặng Thị Hồng về làm dâu gia đình hãng nước mắm Điều Hương cùng xóm.
Xưởng sản xuất 10.000m2 ở An Phước (Mang Thít) của nước mắm Hòa Hiệp
Lúc đầu bà phụ việc nhà, ra nước mắm rồi mang qua chợ bán. Dần dần, bà nắm hết các công đoạn làm nước mắm như muối cá, pha chế… Doanh nhân Đặng Thị Hồng nhớ lại: "Sáng tui ra khoảng 2.000 lít nước mắm vô tĩn rồi đậy nắp lại, trét xi măng kín, dán nhãn. Sau đó, lấy dây làm quai rồi xách tĩn xuống ghe, chở qua bên kia bến đò chợ Vĩnh Long. Vượt sông Tiền, nước mắm được chất lên xe ba gác, đẩy vô cổng chợ, rồi mới "xách đi vòng 1 đoạn" đến giao cho các quầy hàng gia vị".
Nữ doanh nhân Đặng Thị Hồng và những phần thưởng của mình
Cũng theo nữ doanh nhân này, "thời bán thịt heo còn gói bằng lá chuối", mỗi bên tay bà xách 1 cái tĩn đựng đầy nước mắm chừng 5 ký, đi chân trần qua chỗ mấy thớt thịt chợ Vĩnh Long vì "nhiều lần đi dép bị trơn té". Sau này, khi đã có thùng nhựa đựng nước mắm thay cho tĩn thì bà xách mỗi bên tay 2 thùng 8 lít đi giao hàng. "Đi chân trần giữa trời nắng là chuyện thường ngày nhưng đi ghe qua sông lớn gặp bữa có sóng to thì "gian nan dữ lắm!"- bà Hồng nhớ lại.
Hệ thống nhà thùng của nước mắm Hòa Hiệp
Năm 1986, bà Hồng về thị xã Vĩnh Long (nay là TP Vĩnh Long). Đây là giai đoạn khó khăn nhất do vốn ít, lại phải kiếm chỗ ở mới nên bà chỉ mua nước mắm về bán lẻ. Với nung nấu tiếp tục nghề sản xuất nước mắm truyền thống của gia đình, năm 1990, Cơ sở Sản xuất nước mắm Hòa Hiệp ra đời ở số 47, đường Trần Phú (thị xã Vĩnh Long). Từ nhà xưởng nhỏ lúc đầu, cơ sở lần lượt mở rộng thêm kho chứa cá 3.000m2 ở An Bình (Long Hồ), xưởng sản xuất 10.000m2 ở An Phước (Mang Thít) gần sông, liền lộ lớn.
Doanh nhân Đặng Thị Hồng còn nhớ như in những năm tháng mới về nhà chồng "chưa biết làm nước mắm", cả những thăng trầm để có Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hòa Hiệp hôm nay. Với bà, đó là những kỷ niệm "đậm hương nước mắm": Mùi nước mắm đặc trưng dễ chịu lắm! Vô cá trong vòng 3 tháng (từ tháng 7- 9 âm lịch), chừng 1 tháng sau cá thấm muối rồi thì không còn tanh nữa. Quen mùi đến nỗi "ngửi là biết cá ở vùng nào": con cá vùng Phú Quốc thơm dịu, cá Côn Đảo thơm bốc, vùng Phan Thiết, Bình Thuận, Nha Trang thơm bốc hơn...
Nghề nước mắm là "nghề cực khổ" nhưng bà Hồng nói "nhẹ tênh": Tui dân miệt vườn "sáng đi học, trưa về bẻ trái cây qua chợ bán, tới mùa thì xuống nước lấy bùn lấp gốc cây... Hết lớp 11 thì nghỉ học, quán xuyến chuyện nhà phụ mẹ nuôi 6 người con nên quen cực khổ. Về nhà chồng "cực thêm chút nữa" cũng không sao. Riết thành quen nên giờ cũng phải kiếm chuyện làm hoài chớ ở không không chịu được.
Nước mắm Hòa Hiệp vươn xa
Theo bà Hồng, làm ăn thời nào cũng vậy, để được tin dùng phải "đưa chất lượng vào sản phẩm". Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu sản xuất đến nay, cơ sở chú trọng "mua tận gốc, bán tận ngọn". "Chúng tôi trực tiếp ra biển "ăn cá" (mua cá - PV) để chọn nguồn cá tươi ngon; muối trắng, đẹp. Đồng thời, bán tận ngọn để cắt giảm chi phí trung gian, mang đến người tiêu dùng sản phẩm giá cạnh tranh. Kết quả sản xuất kinh doanh, xét về giá trị tài sản và nguồn vốn cho thấy tăng đều qua 10 năm nay. Các chỉ tiêu doanh số, thị phần, giá trị thương hiệu, số lượng sản phẩm tương đối ổn định", bà Hồng tiết lộ.
Nước mắm Hòa Hiệp đảm bảo chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Nhằm giữ vững giá trị cốt lõi riêng có, doanh nghiệp định hướng phát triển dài hạn bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm để khẳng định thương hiệu trong quá trình hội nhập. Vì thế, doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống nhà xưởng theo quy trình quản lý chất lượng sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP và ISO 22000:2005
Nhiều năm liền, chúng tôi gặp doanh nhân Đặng Thị Hồng ở các buổi họp mặt tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh và khu vực ĐBSCL. Mới đây nhất là danh hiệu "Cánh Sếu Vàng - Hành trình 10 năm một chặng đường (2009- 2019)", "Doanh nhân tiêu biểu ĐBSCL năm 2019" tại TP Cần Thơ. Đó là ghi nhận cho những phấn đấu không ngừng của doanh nhân bước ra từng làng quê, quyết tâm "lèo lái con thuyền doanh nghiệp" vượt khó, phát triển nghề truyền thống; góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương và khu vực.
Nước mắm Hòa Hiệp có mặt khắp các tỉnh thành cả nước
Từ một sản phẩm nước mắm truyền thống tại địa phương, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh ĐBSCL, hiện sản phẩm của doanh nghiệp có mặt khắp các tỉnh thành cả nước không chỉ qua "kênh truyền thống" mà còn ở các kênh mua sắm hiện đại. Điểm nhấn tích cực là thương hiệu nước mắm Hòa Hiệp đã được phân phối đến tận tay người tiêu dùng cả nước thông qua hệ thống siêu thị CoopMart, BigC, Vinmart; đồng thời có mặt trong khu thực phẩm của hệ thống Trung tâm bách hóa – Siêu thị Aeon.
Mục tiêu mang sản phẩm chất lượng truyền thống cho bữa ăn của người Việt đến các nước trong khu vực đang được doanh nghiệp từng bước triển khai.
Tự tin là doanh nhân
Theo doanh nhân Đặng Thị Hồng, là phụ nữ làng quê bước ra thương trường bà cũng gặp khó khăn. Không chỉ ở vẻ ngoài cần sang trọng mà còn cần bản lĩnh. Mấy chục năm có rất nhiều thăng trầm, vì yêu nghề nên bà tìm cách để vượt lên và bước tiếp, truyền lại cho thế hệ sau. Cạnh tranh ngày càng gay gắt, đến giờ này thì "sóng gió gì cũng đã gặp" nên bà không sợ hãi mà tự tin mình là doanh nhân- quyết đoán trên thương trường, mềm mỏng khi bán hàng theo phương châm "mua thì lạy, bán phải dạ". Về nhà, bà là người phụ nữ của gia đình chăm lo quán xuyến trong, ngoài. Trong đó, vợ chồng cần hòa thuận, đồng lòng, cùng bàn bạc để đi đến thống nhất.