Ngoài thuế tiêu thụ đặc biệt cao, giá xe nhập về Việt Nam đã biến đổi phù hợp với mặt bằng xe trong nước.
Xe ngoại được mặc định giá cao ở Việt Nam
"Xe ngoại" bán "giá nội" là cụm từ được nhắc đến theo kiểu bán hàng khu biệt theo thị trường, nơi thị trường đó bị neo giá ở mức cao, nằm trong tay hoặc bị chi phối bởi một hay vài hãng xe lớn.
Xe ngoại luôn có giá cao tại Việt Nam do nhiều lý do, trong đó có chính sách của Việt Nam, có sự chủ động "neo" giá của các hãng, doanh nghiệp
Xe ngoại hiện nay hầu hết là xe nhập, xe toàn cầu được bán ở mức giá toàn cầu hoặc giá khu vực. Ví dụ, bản xe Toyota Camry tại Mỹ có giá bán ở một số bang chỉ 500 đến 700 triệu đồng, được xem là xe của tầng lớp bình dân (người Mỹ đều thích các dòng xe to, loại 2 cầu SUV, Pickup hay MPV).
Tuy nhiên, không vì chỉ là xe phổ thông dành cho lớp bình dân tại Mỹ mà Camry không được trang bị những tính năng, đa dụng ưu việt. Bản Full Option của mẫu xe này ở Mỹ luôn là niềm mơ ước của những người sở hữu xe hơi trên thế giới.
Về Việt Nam, do rất nhiều nguyên nhân như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, chiếc Camry của Mỹ luôn neo giá lên đến cả tỷ đồng, thậm chí 1,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đó là các mẫu xe chịu thuế nhập khẩu, thường từ 55-75% mức thuế tối huệ quốc - MFN (tùy theo thị trường), khiến dòng xe này đội giá. Nhưng, điều khó hiểu ngay cả các xe không chịu thuế nhập khi về Việt Nam cũng vẫn có giá cao ngất ngưởng.
Trường hợp xe Thái Lan, xe Indonesia là một ví dụ điển hình. Xe ăn khách Honda CRV bán ra tại Thái Lan, các bản xe tại nước này đều có giá bán từ 1,3 triệu Baht đến cao cấp nhất là 1,6 triệu Baht (tương đương khoảng 930 đến 1,14 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây là các mẫu xe được bán ra tại Thái Lan hầu hết có dung tích xylanh cao với 2.4L đối với động cơ xăng và 1.6L đối với cộng cơ diezel. Trong khi các mẫu xe về Việt Nam chủ yếu là máy xăng dung tích 1.5L VTEC Turbo.
Đối với mẫu Toyota Fortuner bán ra tại Indonesia có giá thấp nhất hơn 465 triệu rupiah và 538 triệu Rupiah (tương đương 711 triệu đến 824 triệu đồng), nhưng các bản xe tại Việt Nam hiện nay đều có mức giá trên 1 tỷ đồng đến 1,3 tỷ đồng. Mẫu có giá bán đại lý thấp nhất hiện nay là hơn 980 triệu đồng.
Bên cạnh các mẫu xe nhập có doanh số khủng tại Việt Nam được neo giá, đẩy giá lên, các mẫu xe mới ra đời ở các thị trường khác trước khi về Việt Nam cũng có mức giá rất rẻ so với tại Việt Nam.
Đơn cử như Kia Sorento 2021 đang ra mắt tại Hàn Quốc, mẫu xe với thiết kế đẹp được xác định giá bán tại xứ sở Kim Chi với hơn 23.700 USD (hơn 545 triệu đồng). Trường hợp nếu mẫu xe này được lắp ráp tại Việt Nam hoặc được nhập khẩu nguyên mẫu, chắc chắn mức giá có thể sẽ cao hơn mức giá bán tại Hàn Quốc.
Đâu là nguyên nhân giá xe trong nước cao?
Nguyên nhân xe hơi tại Việt Nam cao chủ yếu do thị trường xe Việt có sức cạnh tranh yếu, cơ chế điều tiết cung cầu thị trường nằm trong tay một số doanh nghiệp có cả hệ thống lắp ráp và bộ phận nhập xe.
Chính vì sự độc quyền, chi phối lớn từ 1 số hãng xe, nguồn cung xe nhập tại Việt Nam luôn ít, giá cao. Dẫu việc Việt Nam mở cửa đối với xe nhập bằng cách xóa bỏ thuế song chừng đó vẫn chưa đủ để người tiêu dùng được hưởng vì giá xe rẻ.
Một nguyên nhân rất quan trọng là giá xe hơi tại Việt Nam vẫn rất đắt đỏ so với thu nhập bình quân của người Việt. Hiện thu nhập bình quân người Việt vào khoảng 3.000 USD (69 triệu đồng). Xe rẻ nhất hiện nay để lăn bánh trên đường phố ít nhất 350 triệu đồng, người đó phải mất 5 năm, chỉ làm, không ăn, không tiêu mới sở hữu được xe. Nếu trừ các chi phí ăn tiêu, có thể phải 10 năm trở lên.
Về mặt chính sách, hiện nay Việt Nam vẫn duy trì áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hơi rất cao. Nhiều nước hiện coi xe hơi là phương tiện chuyên chở người, hàng, song với chính sách của Việt Nam, chiếc xe hơi vẫn được coi là hàng xa xỉ và được đánh thuế tối thiểu 35%, tối đa 150%.
Điều đáng nói, việc giá xe ở Việt Nam hơn rất nhiều so với các nước khác bởi chính sách hạn chế kinh doanh mặt hàng này của Chính phủ.
Tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP, chỉ doanh nghiệp có chứng nhận kiểu loại do nhà sản xuất, phân phối độc quyền cấp mới được phép nhập khẩu, buôn bán tại Việt Nam. Nghị định này coi nhu dấu chấm hết đối với doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu xe hơi về bán trong nước bởi hầu hết các nhà sản xuất, phân phối độc quyền chỉ cấp một giấy chứng nhận kiểu loại cho một doanh nghiệp/tại một quốc gia.
Chính sách này đã và đang hạn chế nguồn cung, giúp các doanh nghiệp lớn có sẵn thị trường nhưng cũng khiến họ dễ bề thao túng thị trường, tạo độc quyền và khiến người tiêu dùng chịu thiệt hại.