Nếu thích ăn lẩu, bạn cần ghi nhớ những nguyên tắc "vàng" sau đây
Mùa đông, nhiều người thường thích quây quần bên nồi lẩu gà, lẩu ếch hay lẩu Thái chua cay hay lẩu riêu cua bắp bò để vừa ăn vừa xuýt xoa. Tuy nhiên, theo PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh, Khoa Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, lẩu cũng như các món ăn khác, cần tuân theo những nguyên tắc nhất định.
Không nên ăn quá nóng
Nhiều người có thói quen gắp thức ăn (rau, thịt) trong nồi lẩu đang sôi sùng sục ra rồi ăn luôn, điều này cực kỳ nguy hiểm. Ăn quá nóng sẽ gây bỏng niêm mạc miệng, niêm mạc họng dễ bị nhiễm trùng….
Người bị viêm lợi, mắc bệnh răng miệng
Người bị viêm lợi, người mắc bệnh răng miệng không nên ăn quá nhiều lẩu nóng vì ăn lúc nóng sẽ gây hỏng men răng, tình trạng viêm lợi, hôi miệng sẽ nặng lên.
Phải ăn chín uống sôi
Theo PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh, dù là lẩu hay bất kỳ món ăn nào khác cũng nên tuân theo nguyên tắc “ăn chín uống sôi”. Trên thực tế, nhiều người có thói quen vừa cho đồ ăn vào nồi lẩu đã gắp ra, trong khi đó thức ăn mới chín được một nửa. Như vậy, thức ăn sẽ không tiêu diệt hết ký sinh trùng. Người ăn dễ bị tiêu chảy….
Không nên cho nước lẩu quá mặn
Dù lẩu hay các món ăn khác, không nên ăn quá mặn vì ăn sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe đặc biệt là đối với những người bị huyết áp cao.
Cho dù không bị huyết áp cao, nếu khẩu vị quá mặn cũng sẽ gây ảnh hưởng tới bộ phận cảm nhận vị giác.
Ngoài ra, ăn mặn dễ hại tim, cao huyết áp, hại tận, sưng phù chân tay và hại dạ dày. Do đó, nên điều chỉnh nước lẩu nhàn nhạt là cách có lợi nhất cho sức khỏe.
Ăn lẩu đúng trình tự, đúng cách
Để đảm bảo sức khỏe nên ăn rau trước và sau cùng là thịt. Như thế dạ dày không phải làm việc quá tải. Trong quá trình ăn lẩu cũng nên uống nước để giúp tiêu hóa thức ăn được nhanh hơn.
Nên ăn nhiều rau xanh trong mỗi bữa lẩu
Rau xanh sẽ làm món lẩu thêm phong phú, còn giúp giải độc, làm mát cơ thể và hấp thụ các chất béo tốt hơn, lá rau có chứa các vitamin và chất diệp lục sẽ có lợi cho cơ thể bạn trong tiết trời hanh khô mùa đông.