Trên thế giới có nhiều công trình bị bỏ hoang, không còn được sử dụng. Phần lớn chúng đều nằm ở những nơi xa dân cư như ngoài biển, trên núi hay trong rừng rậm.
Dù bị lớp bụi thời gian phủ lấp, nhưng ẩn giấu dưới lớp cỏ cây, gỉ sét dày đặc là những giai thoại, những câu chuyện lịch sử về quãng thời gian chúng còn được giá trị.
Ở những công trình này, người ta cảm nhận được nhiều nét đẹp trong sự hoang phế, đổ nát.
Hình ảnh bên trong tháp làm mát nhà máy nhiệt điện IM, Bỉ. Ảnh: Brokenview
Tháp làm mát nhà máy nhiệt điện IM, Bỉ:
Tháp làm mát IM là những gì còn sót lại của một nhà máy nhiệt điện được xây dựng từ năm 1921. Vào thời điểm đó, nhà máy điện là nguồn cung cấp năng lượng chính cho khu vực Charleroi.
Lượng nước đi qua tháp làm mát khổng lồ này có thể đạt tới 1.800 lít mỗi phút. Sau nhiều năm hoạt động, nhà máy bị buộc phải đóng cửa vào năm 2007 do những báo cáo liên quan đến lượng khí carbon dioxide thải ra môi trường vượt quá mức cho phép.
Hiện tại, thị trấn Kolmanskop trở thành một điểm đến ưa thích của khách du lịch và các nhiếp ảnh gia. Ảnh: Chris Gray
Thị trấn Kolmanskop, Namibia:
Kolmanskop là một thị trấn nhỏ ở miền nam Namibia, nơi từng là kinh đô của kim cương vào đầu những năm 1900. Trong thời kỳ hoàng kim của mình, thị trấn Kolmanskop phát triển rất mạnh mẽ, là nơi những thương gia và người khai thác kim cương tụ tập về khi một người Đức phát hiện khu vực này rất giàu kim cương.
Tuy nhiên, sau Thế chiến I, sản lượng kim cương bắt đầu suy giảm và người dân dần bỏ đi, để lại một thị trấn hoang vắng không một bóng người kể từ những năm 1950.
"Rừng nổi" hiện đã 102 năm tuổi. Ảnh: Bruce Hood
"Rừng nổi" ở Sydney, Australia:
"Khu rừng" nằm ngay trên thân của SS Ayrfield, một con tàu hơi nước cỡ lớn được đóng vào đầu thế kỷ 20, được quân đội Mỹ sử dụng trong Thế chiến II. Sau khi hết thời gian hoạt động, con tàu được đưa về Vịnh Homebush, Australia để tiến hành tháo dỡ.
Khi bãi tháo dỡ tàu ngưng hoạt động, con tàu và một số "bạn bè" của nó bị bỏ rơi ở đó. Hiện tại, SS Ayrfield trở nên đặc biệt ấn tượng bởi một hệ thực vật tươi tốt, phát triển bên trong thân tàu rỉ sét. Đây là một minh chứng về khả năng sinh tồn của thiên nhiên.
Thoạt nhìn qua những pháo đài Maunsell khiến người xem liên tưởng đến cảnh trong phim viễn tưởng. Ảnh: Jelltecks
Pháo đài Maunsell, Anh được xây dựng tại vùng cửa sông Thames và sông Mersey để bảo vệ nước Anh khỏi các cuộc tấn công của không quân và hải quân Đức quốc xã trong Thế chiến II.
Sau khi ngừng hoạt động vào năm 1950, pháo đài từng bị nhiều tổ chức và cá nhân chiếm đóng bất hợp pháp trong đó có một đài phát thanh tư nhân, thậm chí có hẳn một "quốc gia" tự tuyên bố độc lập nhưng không được công nhận.
Ngôi nhà này từng là một phần của một hòn đảo nhỏ đã từng rất thịnh vượng ở vịnh Chesapeake giữa thế kỷ 19. Ảnh: Baldeaglebluff
Ngôi nhà cuối cùng trên đảo Holland, Mỹ:
Vào thời đỉnh cao, đảo Holland là một cộng đồng thịnh vượng với gần 70 công trình kiến trúc bao gồm nhà cửa, cửa hàng bách hóa, trường học, bưu điện, và một nhà thờ, thậm chí họ còn có cả một đội bóng chày.
Tuy nhiên, do sự xói mòn nhanh chóng của bờ biển rất nhiều công trình trên đảo bị biến mất dưới những con sóng và "The Last House" chính là ngôi nhà cuối cùng trên đảo Holland trước khi nó sụp đổ vào năm 2010.
Vẻ đẹp ám ảnh của thành phố Pripyat, Ukraine. Ảnh: Barry Mangham
Thành phố bỏ hoang Pripyat:
Pripyat được thành lập vào ngày 4/2/1970, nằm ở phía bắc Ukraine, gần biên giới của Belarus. Đây từng là nơi ở của rất nhiều công nhân làm việc ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl gần đó.
Sau thảm họa Chernobyl năm 1986, cư dân của Pripyat được di tản toàn bộ, bỏ lại thành phố hoang tàn, tràn ngập phóng xạ.
Hiện nay, du khách muốn đến thăm thành phố bắt buộc phải thông qua một số công ty tổ chức được cấp phép.
Thiết kế lạ mắt của trụ sở Đảng Cộng sản Bungaria. Ảnh: Dimitar Kilkoff
Trụ sở cũ của Đảng Cộng sản Bulgaria:
Tòa nhà này được thiết kế khá kỳ lạ cả ở bên ngoài lẫn bên trong. Tổng thể tòa nhà giống một chiếc đĩa bay và là một biểu tượng về kiến trúc trong giai đoạn còn được sử dụng từ 1981-1991.
Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, tòa nhà bị bỏ hoang và đang xuống cấp nhanh chóng. Hiện tại, chính quyền Bulgaria đang có kế hoạch khôi phục lại công trình này.
Công viên Nara Dreamland từng được chọn làm địa điểm quay nhiều phim kinh dị của Nhật Bản. Ảnh: Suspiciousminds
Khu vui chơi bỏ hoang Nara Dreamland:
Nara Dreamland được lấy cảm hứng từ Disneyland ở California (Mỹ), mở cửa vào năm 1961 tại tỉnh Nara, Nhật Bản.
Vào thời kỳ hoàng kim, Nara Dreamland rất được du khách yêu thích do có nhiều nét tương đồng với Disneyland ở Mỹ.
Tuy nhiên, do gặp phải nhiều đối thủ cạnh tranh, khu vui chơi này dần ít khách đến thăm và buộc phải đóng cửa vào năm 2006.
Những ngôi nhà mái vòm kỳ lạ ở Florida, Mỹ. Ảnh: Imgur.com
Nhà mái vòm ở Florida:
Những cấu trúc mái vòm độc đáo được xây dựng vào năm 1981 trên đảo Marco, Cape Romano, ngoài bờ biển Florida (Mỹ).
Đây từng là căn nhà nghỉ mát của ông trùm sản xuất dầu mỏ Bob Lee trước khi rơi vào tình trạng đổ nát.
Hiện nay nhà máy này nằm trong số những điểm thu hút khách du lịch của Sorrento. Ảnh: Dale Tennyson
Nhà máy bỏ hoang, Italy:
Ở thị trấn Sorrento gần Naples, miền nam Italy, có một hẻm núi sâu, còn được gọi là "Thung lũng của các nhà máy".
Tại đó, giữa thảm thực vật xanh tươi có những nhà máy cũ, hoạt động từ đầu những năm 900 và được sử dụng để nghiền bột.
Nhà máy bị bỏ hoang vào năm 1866 khi việc xây dựng quảng trường Tasso làm cô lập nhà máy, khiến độ ẩm gia tăng, và bị buộc phải đóng cửa.
Nhà ga trung tâm Michigan, Detroit, Mỹ. Ảnh: Chris Luckhardt
Ga trung tâm Michigan được xây dựng vào năm 1913 tại Detroit nhằm tạo ra một trung tâm vận tải công cộng mới.
Tuy nhiên, một số kế hoạch giám sát sai lầm đã dẫn đến sự suy giảm dần dần và đóng cửa năm 1988. Số phận của tòa nhà vẫn đang được quyết định, nhưng trong thời gian đó, đài đã xuất hiện trong một số bộ phim và video, bao gồm bộ phim 8 Mile của Eminem.