Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2017 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa công bố cho thấy nền kinh tế ngày càng lệ thuộc vào khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài. Tỉ trọng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã gia tăng nhanh chóng trong những năm qua.
Chiếm hơn 70% tỉ trọng xuất khẩu cả nước
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 70,8 tỉ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tới 72,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhập khẩu của khu vực này cũng đạt 60,5 tỉ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 60,3% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Tính chung trong nửa đầu năm, khu vực FDI xuất siêu 10,2 tỉ USD kể cả dầu thô.
Kim ngạch xuất khẩu của khối FDI đã tăng khá nhanh trong những năm qua và chiếm tỉ trọng ngày càng lớn. Tình hình kinh tế quý II/2017 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của thương mại. Cả xuất nhập khẩu đều đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng hơn 5 năm qua, khi xuất khẩu tăng tốc từ mức 12,8% quý trước lên 24,5% trong quý II, góp phần cải thiện đáng kể thâm hụt thương mại.
Có điều, phân tích của VEPR cho thấy nếu năm 2009, xuất khẩu của khu vực FDI mới chỉ chiếm tỉ trọng 32,9% tổng xuất khẩu cả nước thì con số này đã tăng nhanh chóng qua các năm và lên tới 72,4% trong nửa đầu năm nay.
"Tỉ trọng xuất khẩu của khu vực FDI tăng nhanh cho thấy Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực FDI, đặc biệt một số công ty lớn như Samsung" - báo cáo của VEPR chỉ rõ.
Xuất khẩu của Samsung hiện chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước
Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng chủ yếu đến từ những mặt hàng do DN FDI sản xuất với sản lượng ngày càng tăng như xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng 18,3%, điện tử máy tính và linh kiện tăng 42,3%... Chỉ tính riêng Tập đoàn Samsung, năm ngoái dù gặp sự cố với mẫu điện thoại Galaxy Note 7 nhưng xuất khẩu của tập đoàn này cũng đạt mức 39,9 tỉ USD và chiếm tới 22,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Nâng sức cạnh tranh
cho DN trong nước
Một điểm đáng lưu ý trong xu hướng nhập khẩu của Việt Nam những tháng đầu năm là nhập khẩu tăng mạnh khiến thâm hụt thương mại với Hàn Quốc đã vượt qua cả Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Hàn Quốc lên tới 22,5%, tăng 51,2% so với cùng kỳ và nhập siêu từ thị trường này ở mức 15,9 tỉ USD, cao hơn nhiều so với con số thâm hụt thương mại với Trung Quốc 14,1 tỉ USD. Theo VEPR, điều này cùng với cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chính phản ánh xu hướng phụ thuộc về thương mại vào một số DN lớn đến từ Hàn Quốc, đặc biệt là Samsung.
Dòng vốn từ khu vực FDI đã phục hồi đáng kể trong nửa đầu năm. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 19,2 tỉ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ. Lượng vốn giải ngân cũng đạt 7,72 tỉ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Lượng lao động sử dụng tại các DN FDI trong lĩnh vực công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao.
Trong khi đó, số lao động sử dụng ở khu vực DN ngoài nhà nước thậm chí đã giảm tuyệt đối trong 6 tháng đầu năm nay, cho thấy khu vực kinh tế trong nước ngày càng trở nên yếu thế so với FDI, đặc biệt trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế đang được mở rộng. Các chuyên gia của VEPR nhận định thực tế này phản ánh tình hình sản xuất của khu vực kinh tế trong nước chưa thực sự được cải thiện. Sự phục hồi trong sản xuất công nghiệp có thể bắt nguồn từ khu vực FDI, nhất là các tập đoàn lớn.
Lúc này, để tránh lệ thuộc nhiều vào nguồn vốn nước ngoài, các chuyên gia kinh tế cho rằng nhà nước cần thực hiện các biện pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy nguồn vốn đầu tư tư nhân. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực này là yếu tố sống còn.