Phóng viên: Theo nhiều doanh nghiệp (DN), đang có một khoảng cách rất lớn giữa các yêu cầu của Chính phủ trong việc triển khai Nghị quyết 19 về giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành và thực tế triển khai ở các bộ ngành, ông nghĩ sao?
- TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM): Đúng là quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành hiện nay cho thấy có quá nhiều vấn đề. Thứ nhất là danh mục kiểm tra hàng hóa chuyên ngành còn quá nhiều và danh mục này hiện đang do các bộ tự ban hành, tự rà soát, tự sửa đổi. Với cách làm này sẽ khiến danh mục nhiều hơn, dài ra.
Thứ hai, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhìn chung phức tạp và chồng chéo nhau. Thứ ba, có sự chồng chéo trong quản lý nhà nước, ví dụ một sản phẩm do 2, 3, thậm chí 4 bộ cùng quản lý và không phải bằng một quy trình thủ tục giống nhau, bằng một tiêu chí chất lượng như nhau mà thông thường khác nhau.
Từ đó, chi phí gồm cả chi phí chính thức và không chính thức đối với DN là rất lớn gồm cả chi phí thời gian, công sức và mục tiêu quản lý nhà nước không đạt được. Chính phủ đã nhận ra điều này và yêu cầu thay đổi nhưng cho đến nay, một số bộ có triển khai thực hiện nhưng rất nhiều yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 19, trong các nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ cho thấy kết quả đạt được còn khá khiêm tốn.
Sôi động hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Hoành Mô Ảnh: Ngọc Hà
Vậy theo ông, làm sao thu hẹp khoảng cách này để DN thật sự hưởng lợi?
- Đầu tiên là phải thu hẹp được danh mục hàng hóa phải quản lý chuyên ngành, bởi rõ ràng khi chưa thu hẹp được thì các công việc tiếp theo chưa thể thay đổi được. Mấu chốt hiện nay là các bộ phải rà soát, giảm đến mức tối đa danh mục phải quản lý chuyên ngành và có thể phải cắt giảm một nửa danh mục này. Khi đó mới bảo đảm mục tiêu của Chính phủ về kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu giảm từ 35% còn 20%. Nếu giảm được điều này sẽ tiết kiệm chi phí cho nền kinh tế hàng tỉ USD mỗi năm. Cũng là tác động đến nền kinh tế rất lớn và thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Như ông nói, vấn đề không nằm ở việc thiếu chủ trương, chính sách mà quan trọng là khâu thực thi, vậy làm sao khâu thực thi tốt hơn trong thời gian tới?
- Đúng là có khoảng cách rất lớn từ nghị quyết đến cuộc sống. Như vậy, yêu cầu thực thi này rất quan trọng, tập trung vào thực hiện là nhân tố quyết định hiện nay. Nhiều khi không cần ban hành thêm nghị quyết khác mà chỉ cần triển khai quyết liệt những nghị quyết đã có.
Để làm được điều này, quan trọng là phải có động lực và áp lực. Thông thường nếu không có động lực từ bên trong thì phải có áp lực ở bên ngoài hoặc từ trên xuống. Và trong bối cảnh hiện nay, trong ngắn hạn, trung hạn phải có áp lực hành chính từ trên xuống và áp lực từ bên ngoài. Cụ thể, người đứng đầu các bộ, ngành và lãnh đạo UBND các tỉnh, TP mà không nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề để tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, tạo áp lực hành chính từ trên xuống cho công chức, cán bộ phải thay đổi thì rất khó. Cần thay đổi thái độ làm việc của cán bộ công chức theo hướng vì DN, phục vụ DN nhiều hơn.
Tại thời điểm hiện nay, theo quan sát của tôi, không phải các bộ ngành, UBND các tỉnh, TP đều đã thay đổi. Đồng thời, áp lực từ bên ngoài gồm các chuyên gia, cơ quan phản biện độc lập và các hiệp hội cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình này. Các hiệp hội cần chủ động hơn nữa trong kiến nghị, đề xuất, gây áp lực và tranh luận để thay đổi bởi đây là quyền lợi sát sườn của họ, là yếu tố để thúc đẩy sự thay đổi.
Hậu kiểm cần trên nguyên tắc kiểm soát rủi ro
Theo TS Nguyễn Đình Cung, hậu kiểm là quản lý dựa trên cơ sở phân tích rủi ro và mức độ chấp hành luật pháp của đối tượng quản lý. Muốn vậy, cơ quan nhà nước phải xây dựng hệ thống tích hợp thông tin về đối tượng cần quản lý, nơi nào có rủi ro cao thì cần kiểm tra, thay vì cách làm cắt ngang như hiện nay là chỉ vào kiểm tra thanh tra đột xuất… Để thay đổi cách làm này, cơ quan quản lý cần áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin và điều này không khó, quan trọng là có muốn làm hay không?