Từ quý III/2016, Cục Đầu tư nước ngoài bắt đầu cung cấp số liệu về tình hình đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua cổ phần thay vì chỉ có số liệu về vốn đầu tư trực tiếp (FDI) như thông lệ. Tiếp sau đó, Tổng cục Thống kê cũng chính thức công bố số liệu này vào hệ thống số liệu thống kê quốc gia để phản ánh đầy đủ hơn về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Điểm sáng thu hút FDI
So với cùng kỳ năm 2016, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam qua hình thức góp vốn, mua cổ phần đã tăng vọt 271,5% về số vốn và tăng 148,3% về số lượt dự án. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này là do tính hấp dẫn của triển vọng kinh tế Việt Nam cùng với sự cải thiện về thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo hình thức đầu tư này, nhà đầu tư nước ngoài không cần xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp (DN) Việt Nam mà chỉ cần làm các thủ tục đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, tùy từng lĩnh vực đầu tư kinh doanh có quy định điều kiện hay không. Do thủ tục đơn giản, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn phương thức đầu tư này để có thể tiếp cận thị trường Việt Nam bằng cách nhanh nhất.
Trước đây, Luật Đầu tư đã có các quy định điều chỉnh hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài nhưng chưa rõ ràng, phải chờ đến Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015), thủ tục này mới đơn giản, tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. Trong năm đầu tiên đã có 2.547 DN, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần tại các DN Việt Nam với tỉ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Tổng vốn đầu tư là 3,425 tỉ USD.
Cần có thống kê đầy đủ
Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng với tốc độ nhanh hơn trong thời gian tới khi được hỗ trợ bởi các điều kiện chính sách cổ phần hóa DN nhà nước được xem xét nới lỏng hơn.
Trong đó phải kể đến những điểm mới do Bộ Tài chính đề xuất trong dự thảo Nghị định mới về chuyển DN nhà nước thành công ty cổ phần sẽ xóa bỏ quy định nhà đầu tư chiến lược phải có cùng ngành nghề kinh doanh chính của DN như hiện nay, thay vào đó chỉ cần đáp ứng một số tiêu chuẩn về năng lực tài chính. Đồng thời thay đổi thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư chiến lược là 3 năm thay vì 5 năm. Quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế là mở đường cho nhà đầu tư tài chính đầu tư vào DN hậu cổ phần hóa, nhằm tạo ra nhân tố mới trong giám sát DN, nâng cao năng lực quản trị DN.
Trong thời gian gần đây cũng đã bắt đầu xuất hiện các quan ngại về khả năng DN nước ngoài thâu tóm DN trong nước trong lĩnh vực bán lẻ và bất động sản thông qua hình thức đầu tư này. Do đó cần có số liệu thống kê đầy đủ làm cơ sở đánh giá, phân tích mặt tích cực và hạn chế của xu hướng này.
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, cho rằng mặt tích cực của xu hướng này là giúp nhà đầu tư tiếp cận được thị trường Việt Nam nhanh hơn. Vì trên thực tế, mặc dù thủ tục hành chính đã được cải thiện rất nhiều nhưng nhà đầu tư vẫn phản ánh đầu tư 1 dự án vào Việt Nam phải hoàn thành 14 thủ tục trong thời gian hơn 3 năm. Do đó, ngay cả khi đầu tư theo hình thức mua cổ phần, góp vốn vào thời điểm giá cổ phần cao, chi phí phải trả đắt hơn nhưng lại tiết kiệm được thời gian và có lợi nhuận sớm, bù lại cho chi phí ban đầu.
Tuy nhiên, số liệu thống kê nguồn vốn này chưa minh bạch để phản ánh quá trình ra/vào của luồng vốn. “Trong trường hợp đầu tư có lãi, nhà đầu tư sẵn sàng bán vốn, khi đó chúng ta không thống kê được sự thay đổi này để biết giá trị của nhà đầu tư còn lại tại DN là bao nhiêu. Hơn nữa, nếu hình thức góp vốn, mua cổ phần phát triển rất có thể làm hạn chế hình thức đầu tư trực tiếp thông qua các dự án mới. Như vậy có thể làm chậm tiến độ thu hút dự án vào các lĩnh vực chúng ta mong muốn” - ông Thắng phân tích.