Tại hội nghị hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa ĐBSCL với TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Quốc Việt cho biết đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tạo cơ hội quảng bá, hợp tác đầu tư thương mại, du lịch giữa ĐBSCL với TP Hà Nội và cả nước.
Vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất là vai trò của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ xúc tiến đầu tư vào vùng ĐBSCL. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết trong những năm qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cả nước và khu vực ĐBSCL phát triển, như: Huy động vốn tại chỗ của 13 tỉnh ĐBSCL luôn có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước, chiếm khoảng 6,4% tổng vốn huy động của nền kinh tế. Đối với ngành thương mại dịch vụ, đến ngày 30-4, dư nợ tín dụng đạt khoảng 165.313 tỉ đồng, chiếm 41,9% dư nợ tín dụng trên toàn địa bàn. Riêng đối với lĩnh vực du lịch, đến ngày 30-4, dư nợ tín dụng ngành du lịch của khu vực ĐBSCL đạt khoảng 2.403 tỉ đồng, chiếm 0,61% dư nợ tín dụng của toàn địa bàn; tổ chức 50 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh khu vực ĐBSCL với tổng số tiền cam kết cho vay mới theo chương trình đạt gần 58.000 tỉ đồng cho hơn 4.300 khách hàng doanh nghiệp và nhiều đối tượng khác.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đã triển khai một số chương trình tín dụng trọng điểm tại khu vực ĐBSCL mang lại hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước cũng đã duyệt cho 10 doanh nghiệp thuộc khu vực ĐBSCL thực hiện 10 dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại 6 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng; trong đó có các doanh nghiệp liên kết cánh đồng lớn sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, doanh nghiệp có chuỗi liên kết sản xuất và xuất khẩu thủy sản.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp tín dụng cho khu vực ĐBSCL như: Thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, trong đó hỗ trợ cho ngành thương mại và dịch vụ phát triển, nhằm tăng tỉ trọng của ngành thương mại và dịch vụ trong GDP của vùng…