Tại đại hội cổ đông tổ chức sáng 20-4, Masan Consumer đã thảo luận kế hoạch chia cổ tức bằng tiền là: 2.578.318.876.142 đồng, trong đó đã chi trả trong năm 2016 là 237.598.349.642 đồng, chia cổ tức bằng tiền còn lại (sau khi trừ đi khoản đã được tạm ứng và chi trả trong năm 2016) là 45%, tương đương 4.500 đồng/ cổ phiếu. Thời gian chi trả cổ tức năm 2016 còn lại là trong vòng 6 tháng kể từ ngày thông qua Nghị quyết đại hội đồng cổ đông. Đây được xem là mức cổ tức “khủng” nhưng theo ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT - đây chưa phải là con số sau cùng mà cổ đông được “tưởng thưởng”.
Nâng cao hiệu năng vận hành
Ông Quang cho biết Ban Điều hành Masan Consumer còn đặt mục tiêu vào năm 2020, lợi nhuận để phân bổ cho cổ đông vốn chủ sở hữu sẽ lên tới 1 tỉ USD, gấp 1.000 lần giá trị mà Masan Consumer dành cho cổ đông ở thời điểm năm 2002. Đây là sự tưởng thưởng bởi doanh thu và lợi nhuận cao mà Masan Consumer đã mang lại cho cổ đông, cho Masan, các đối tác và cả người tiêu dùng.
Báo cáo trình đại hội của HĐQT cho thấy với sản phẩm chủ lực là nhóm ngành hàng thực phẩm tiện lợi (mì ăn liền, cháo, xúc xích), hàng gia vị (nước chấm, tương ớt...), ngành hàng đồ uống và ngành hàng cà phê; những năm gần đây, Masan Consumer luôn duy trì mức cổ tức tiền mặt cao, nhờ hiệu năng vận hành. Năm 2016, cụm công nghệ thực phẩm sản xuất mì gói và nước mắm lớn nhất tỉnh Nghệ An của công ty đã chính thức hoạt động hết công suất, cải thiện thời gian giao hàng và giảm chi phí vận chuyển. Công ty cũng đã đầu tư nhằm tăng tỉ lệ sở hữu tại các thương hiệu chính và kết nạp nhiều thương hiệu mới. Gần đây nhất, công ty đã tăng tỉ lệ sở hữu tại nước khoáng Vĩnh Hảo lên 88,6%. Tăng tỉ lệ sở hữu tại Vinacafé Biên Hòa lên 68,46%. Cũng trong năm 2016, Masan Consumer đã tăng số điểm bán hàng lên 180.000 cho ngành thực phẩm và 100.000 cho ngành đồ uống không cồn, thúc đẩy mạnh mẽ hệ thống nhận diện thương hiệu. Công ty cũng đã đầu tư khoảng 3 triệu USD để xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển mới tại MSI. Đây được xem là một trong các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Năm 2016, tổng doanh thu hợp nhất của công ty là 13.780 tỉ đồng, đạt 95% so với kế hoạch, tăng trưởng 4% so với năm 2015, lợi nhuận sau thuế đạt 2.791 tỉ đồng, đạt 99,7% so với kế hoạch và giảm 4% so với năm 2015. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu năm 2016 là 5.165 đồng.
Phát hành cổ phiếu cho người lao động
Để tạo động lực cho người lao động, Masan Consumer đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ và phát hành cổ phiếu năm 2017. Theo đó, sẽ phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động trong công ty, loại cổ phần phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, số lượng tối đa 5.000.000 cổ phần. Vốn điều lệ công ty sẽ tăng lên tương ứng với tổng mệnh giá số lượng cổ phần phổ thông thực tế phát hành.
Năm 2017, Masan Consumer đặt mục tiêu kinh doanh với doanh thu thuần đạt 14.500-15.300 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế và sau cổ đông thiểu số đạt 2.550-2.810 tỉ đồng. Bên cạnh việc duy trì cổ tức bằng tiền mặt cao cho cổ đông, năm 2017, công ty vẫn ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng những ngành hàng vẫn còn tiềm năng và sức cạnh tranh. Cụ thể: Tập trung thúc đẩy tăng trưởng ngành hàng nước mắm; giành lại thị phần trong ngành thực phẩm tiện lợi bằng việc củng cố 2 nhãn hàng Omachi và Kokomi; đặt mục tiêu chiếm lĩnh 51% thị phần cà phê hòa tan; thúc đẩy tăng trưởng ngành đồ uống đóng chai và xây dựng ngành thực phẩm chế biến.