Thể hiện ở việc xây dựng và ban hành nhiều chính sách, luật và chương trình khuyến khích khởi nghiệp.
Kết quả khảo sát về khởi nghiệp cho thấy tại Việt Nam, các ý tưởng kinh doanh không chỉ được hiện thực hóa dưới hình thức doanh nghiệp (DN) mà còn theo các hình thức cơ sở kinh tế, các hộ kinh doanh, trang trại. Cụ thể, trong năm 2016, có 110.100 DN đăng ký thành lập mới và 83.487 cơ sở kinh tế, cá thể phi nông nghiệp.
Ý tưởng kinh doanh phong phú
Về độ tuổi, 64% chủ DN có độ tuổi 30 trở lên, 84% có bằng đại học, phần lớn các DN bắt đầu khởi nghiệp trong độ tuổi 30. Đáng lưu ý là 72% chủ DN thành lập trong 3 năm gần đây, xuất thân từ khu vực tư nhân. Động lực khởi sự của DN Việt Nam khá đa dạng, trong đó có 26% đam mê làm điều mới mẻ, 31% tạo công ăn việc làm, 41% muốn độc lập tài chính, 56% muốn tự làm chủ và 13% xây dựng sự nghiệp cho thế hệ sau.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy phần lớn DN khởi sự xuất thân từ mô hình hộ gia đình, 70% DN có xuất thân từ hộ kinh doanh cá thể, có 17% có thể tăng quy mô, 38% khẳng định chắc chắn tăng quy mô hoạt động và 39% giữ nguyên quy mô hiện tại. Ở góc độ không thuận lợi, có khoảng 6% DN cho biết có thể đóng cửa.
Tại tọa đàm, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc dự án Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Việt Nam - cho biết các ngành nghề khởi nghiệp ngày nay khá đa dạng. Trong đó, các ngành bất động sản, nông lâm nghiệp và thủy sản, nghệ thuật, vui chơi giải trí, vận tải kho bãi và dịch vụ việc làm có số lượng DN khởi nghiệp tăng cao nhất. Đa số DN khởi nghiệp thời gian gần đây vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển; trong đó, khoảng 36% đã định hình DN, 50% bắt đầu có doanh thu, 2% mở rộng sản xuất, 6% mở rộng thị trường.
Đa số doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô nhỏ Ảnh: Internet
Chỉ 7% DN có trên 50 lao động
Theo ông Đậu Anh Tuấn, cộng đồng DN khởi nghiệp Việt Nam cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế do quy mô lao động nhỏ bé. Thể hiện ở con số 63% DN có quy mô dưới 10 lao động, 30% có quy mô từ 10-49 lao động, chỉ khoảng 7% sử dụng trên 50 lao động. DN khởi nghiệp cũng ít tham gia vào hoạt động xuất khẩu. 81% khách hàng chính của các DN khởi nghiệp là các tổ chức, cá nhân trong nước; hoạt động kinh doanh còn nhiều khó khăn, chỉ 40% có lãi nhưng mức lãi ít trong khi 19% hòa vốn, 32% thua lỗ chút ít, 5% thua lỗ lớn.
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI tại Đà Nẵng, đánh giá: Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi đối với các DN khởi nghiệp, tạo ra động lực, niềm tin vào sự bứt phá của DN khởi nghiệp. Đó là công cuộc cải cách thể chế đang được phát động, những đổi mới trong hệ thống pháp luật cũng như trong chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành, địa phương đang diễn ra sôi nổi. Tuy nhiên, thách thức đối với DN còn rất lớn, đặc biệt là áp lực của hội nhập, áp lực của cách mạng 4.0.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng để thúc đẩy khởi nghiệp, điều đầu tiên là phải hiểu đúng về khởi nghiệp, thái độ xã hội tích cực với khởi nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo khởi nghiệp và quan trọng là vai trò kiến tạo, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, cải thiện hơn nữa các chương trình hỗ trợ DN hiện có, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, đa dạng kênh tài chính và hỗ trợ tiếp cận tài chính cho DN khởi nghiệp. Đối với công tác xúc tiến đầu tư cũng phải nhắm đến đa ngành nghề, đa lĩnh vực và nhà đầu tư cũng không nên chăm bẳm vào công ty, tập đoàn lớn mà quên các DN vừa và nhỏ nhưng có tâm quyết đầu tư tại địa phương.